Dù đã lên thiên chức ông, bà nội, ngoại, nhưng vợ chồng bà Liêu Thị Ly - ông Ma Đình Đáo, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân (Chợ Đồn, Bắc Kạn) luôn nhớ về những “ngày xưa ấy”. Hồi bấy giờ hai người đều là đội viên của Đại đội TNXP 915, cùng làm nhiệm vụ thông đường, tải lương phục vụ tiền tuyến, và chứng kiến một trận bom kinh hoàng cướp đi mạng sống của 60 đồng đội. Ký ức bi hùng như cơn cớ để hai người đến với nhau, nương tựa vào nhau để vượt qua gian khó đời thường, giữ vẹn nghĩa tào khang.
Bên bếp lửa nhà sàn, vợ chồng bà Ly, ông Đáo ngồi lặng lẽ hồi nhớ về một thời trẻ trung, hồn nhiên mà đáng sống. Ông Đáo đưa mắt nhìn vợ, tay cời thanh củi làm vô số tàn than rực đỏ theo nhau bay lên như màn pháo hoa. Lửa củi được thể bùng lên, thúc nhiệt khiến nước trong ấm bắc trên kiềng bếp sôi sùng sục. Khi ấy bà Ly lật đật tra nước vào phích, rồi lại lật đật pha trà mời khách. Di chứng thương tật từ sau trận bom B52, đêm Noel năm 1972 theo suốt cuộc đời bà. Khi còn trẻ, từng cơn đau bất chợt dội về, rồi tan biến trong cơ thể. Những tưởng có sức sẽ át đi bệnh tật, nhưng không - tuổi càng cao, bệnh càng lắm. Lưng bà bắt đầu còng gập lại, đôi chân đau nhức nhối, mỗi lần muốn đi đâu đó đều do chồng đỡ lên, xuống từng bậc thang.
Nhìn ngọn lửa cháy hừng hực trong bếp, bà Ly kể: Tháng 6-1972, đầy tuổi 18, tôi đi TNXP. Cùng xã đi TNXP năm ấy với tôi còn có chị Tô Thị Phùng, thôn Bản Cưa, chị Ma Thị Chảy, thôn Nà Tấc. Ba chị em được biên chế vào cùng Đại đội 915. Chị Phùng kém tôi 2 tuổi, nhưng lanh lẹ, hoạt bát, được Ban Chỉ huy Đại đội giao nhiệm vụ làm Tiểu đội phó. Chị Phùng và chị Chảy đều có anh trai là liệt sĩ. Còn tôi nhà có 6 anh, chị em, tôi là con thứ tư trong gia đình, các anh, chị, em đều sớm xây dựng hạnh phúc riêng. Tôi thảnh thơi nhất nhà, nên xin phép pò mè (bố mẹ) được tham gia TNXP, đi phục vụ kháng chiến.
Đó là thời điểm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa ác liệt nhất trong lịch sử. Nhưng trí trẻ bền gan, bà Ly cũng như bao người cùng thời xung phong ra mặt trận. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nảy, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Chợ Đồn cho biết: Mà ngày ấy đất nước đâu chẳng là mặt trận. Cả miền Bắc vì mặt trận miền Nam. Ngay như "thành phố thép" Thái Nguyên cũng phải chịu đựng hàng nghìn tấn bom đạn của giặc thù dội xuống. Nhưng lửa đạn của bom thù không chỉ có tiếng gào thét căm hờn, mà làm lòng người xích lại gần nhau hơn, làm nảy nở bao tình yêu đôi lứa. Trận bom đêm Noel năm 1972 vĩnh viễn cướp đi sự sống của nhiều người trẻ. Nhưng trận bom năm ấy cũng bắt đầu ấp ủ một lời yêu để dành cho ngày chiến thắng. Chuyện của vợ chồng bà Ly, ông Đào là một minh chứng về tình yêu cháy bỏng của thời bom rơi, đạn nổ.
Bà Nảy từng ở Đại đội 915. Đến tháng 9-1972, Đội 91 điều động bà sang Đại đội 911 tiếp tục làm nhiệm vụ vá đường. Nên đến bây giờ bà vẫn nhớ đến những đồng đội cũ, quá nửa trong đơn vị phải nằm lại nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên).
Đau đớn mất mát làm những cựu TNXP gần gũi với nhau hơn ở cuộc sống đời thường. Nhấp ngụm nước lá rừng, bà Nảy dừng lời, vẻ giữ ý nhường chuyện cho bà Ly. Hiểu ý đồng đội cũ, bà Ly tiếp tục mạch chuyện: Đại đội chúng tôi ở phân tán tại các nhà dân. Công việc là cầm cuốc, xẻng san lấp ổ gà. Máy bay địch đánh ban ngày thì chúng tôi làm đêm. Chúng đánh đêm thì chúng tôi làm ngày. Đều con em nông thôn miền núi, lại đang sức trẻ nên công việc cầm cuốc, xẻng xúc đất, đá chẳng có gì nặng nhọc. Ai nấy phấn chấn vì được tham gia TNXP, sống có tập thể, có kỷ luật, ngoài nhiệm vụ thông đường, chúng tôi còn được tham gia sinh hoạt đoàn, nhiều người còn được học văn hoá. Tôi còn nhớ như in cái ngày định mệnh, nhiều đồng đội tôi chết thảm sau loạt bom thù. Hôm ấy (24-12-1972), từ sáng sớm Đại đội được lệnh lựa chọn 60 đội viên khỏe mạnh, nhanh nhẹn để hành quân đến Ga Lưu Xá làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hoá. Cả ngày chúng tôi đã làm việc quên ăn, quên nghỉ. Đến chiều tối, cơm chưa kịp ăn thì báo động có máy bay địch đánh bom. Chúng tôi nhào xuống hầm trú ẩn. Từng loạt bom làm căn hầm tập thể rung lên bần bật. Rồi cả 2 cửa hầm bị trúng bom. Tiếp đến, 1 quả bom rơi giữa hầm. Cả một khối bê tông lớn xập xuống làm nhiều người bị vùi tại chỗ, hoặc bị hất lên như bao thóc. Tôi cũng bị ném lên không trung, rồi rơi xuống, đất đá lấp ngang người, ngất lịm. Nửa đêm tỉnh dậy tôi không biết vì sao mình lại nằm trong bệnh viện. Tiếp lời vợ, ông Đáo kể: Khi đó tôi đang ở Tổng Đội 91 (Đội TNXP 91), nên ngay lúc bom ngừng nổ, chúng tôi được huy động đến hiện trường tìm kiếm đồng đội dưới bê tông đổ nát. Đau đớn, nhiều đồng chí khồng cầm được nước mắt vì thấy thi thể bạn mình không trọn vẹn. Hơn 60 con người hành quân lúc bình minh gọi mặt trời, thì lúc trời vừa tối chỉ còn 7 sinh mạng trở về trên băng ca cấp cứu, trong đó có bà Ly, vợ tôi bây giờ.
Nước mặt nghẹn ngào làm câu chuyện ngưng lại. Rồi bật òa thành tiếng nức nở của bà Ly: Đau đớn lắm, Chị Phùng cùng thôn Bản Cưa với tôi; chị Chảy bên thôn Nà Tấc cùng xã với tôi. Mấy hôm trước chị em còn giúp nhau đun nước gội đầu. Còn hẹn nhau sau ngày đất nước thống nhất, cùng về mò ốc ở suối Khuổi Lai; lấy nước ở dòng Nà Ca tưới lúa; gùi nước ở dòng Vân Hồ về đun với quả bồ kết, gội đầu cho nhau… nhưng chị Phùng, chị Chảy phải nằm lại, chỉ có tôi về.
Bên bếp lửa sàn, câu chuyện ngưng lại vì niềm đau bị đánh thức. Tôi biết niềm đau ấy được cất giấu, nén giữ trong lòng bà Ly và những người thân. Để mỗi lần vì lý do gì đó, phải gợi lại là bùng lên, thì đau đớn dữ dội đến tột cùng do mất mát. Bà Ly lau nước mắt, vào buồng trong, mở chiếc hòm gỗ cũ lấy ra cho chúng tôi xem tấm ảnh có 8 nữ TNXP đứng trước lán ở lợp bằng lá cọ. Tôi ngắm nghía trân trọng, buột miệng nói nịnh: Các chị trẻ trung, đẹp hồn nhiên như những thiên thần. Bà Ly cũng nói vui: Mà tất cả những chị em trong tấm ảnh này đều xuýt hóa thiên thần đấy. Vì tất cả chị em có mặt trong tấm ảnh này đều bị thương từ nhiều trận bom khác nhau. Có chị mang vết thương nhìn thấy ở ngoài da thịt. Có chị bị vết thương om sâu vào trong xương tủy. Giây lát dừng lời như để lấy thêm hơi, bà đọc tên từng người trong ảnh: Lê Thị Đoàn, Lương Thị Hội, Bùi Thị Loan, Cù Thị Phương, Nguyễn Thị Nhung, Ngôn Thị Túc, Tô Thị Loan và tôi (Liêu Thị Ly). Bà giải thích thêm: Tấm ảnh này được chụp khi tôi mới lành vết thương, trở về đơn vị cũ. Lúc đó đơn vị chuyển đến xã Tân Cương, làm đường đi Hồ Núi Cốc. Đơn vị cũng đã được bổ sung thêm quân số.
Ông Đáo đỡ lời vợ: Đầu năm 1973 tôi mới được điều động từ Tổng đội 91 về Đại đội 915, tôi là 1 trong những đội viên từ các đại đội khác do Đội 91 điều động về. Hồi bấy giờ, bà Ly và những người thoát chết sau trận bom đêm Noel năm 1972 được cả đơn vị quan tâm, ưu ái. Nhưng bà Ly sống có nghị lực, dù không được khỏe mạnh như trước đó, nhưng luôn tự tin, làm việc hăng say nên được mọi người quý mến, trong số đó có tôi.
Năm 1974, bà Ly chuyển công tác sang ngành thương nghiệp, làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng ăn uống huyện Định Hoá. Còn ông Đáo sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người TNXP, ông xin được trở về quê nhà, thôn Bản Quyên, xã Điểm Mặc (Định Hoá) làm công việc của người nông dân. Vì giữa hai người “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” (truyện Kiều, Nguyễn Du), nên lời yêu chưa ngỏ, vì hoàn cảnh mà vội chia phôi mỗi người một ngả. Để sau đó bạn đồng chí cũ cho nhau địa chỉ, bà Ly “cấp tốc” viết thư gửi cho ông Đáo, nói rõ tình hình công tác của mình. Được thư của “người tình trong mộng”, ông Đáo đạp xe một mạch từ thôn Bản Quyên ra phố huyện Định Hoá, hai người gặp lại nhau, mừng tủi khôn xiết. Tay nắm tay, mắt nhìn lên ngọn núi Nản, thề hẹn việc hôn sự.
Hai năm sau đó, bà Ly về thôn Bản Quyên làm dâu của dòng họ Ma Đình. Vì nhà xa, hằng ngày bà phải đạp xe ra phố huyện làm việc. Cực nhọc, thiếu khó, sức khỏe giảm sút, mỗi khi trái gió trở trời bà lại bị những cơn đau từ trong óc vọng ra. Bà cố gắng chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ của người vợ, người mẹ và công việc của một nhân viên thương nghiêp. Bà luôn tự động viên: Mình là một TNXP, hy sinh chẳng từ nan, lẽ nào bỏ việc giữ chừng. Vậy nhưng từng cơn đau âm ỉ cứ theo nhau hành hạ khiến sức khỏe, tinh thần bà suy nhược. Thương vợ, ông Đáo động viên, khuyên bà nghỉ việc ở hẳn nhà. Bà Ly suy nghĩ nhiều lắm, song cũng đành bỏ công việc có gạo Nhà nước nuôi, trở về với điền dã chăm lo việc cầy, cấy nuôi con cùng chồng. Đầu năm 1979, vợ chồng bà dắt nhau về quê ngoại, ở thôn Bản Cưa định cư.
Uống ngụm nước nhấp giọng, ông Đáo kể: Ngày về đây, vùng đất này toàn lau lách, cây dại, vợ chồng dắt nhau vào khe Khuổi Mản vỡ đất trồng cấy. Ăn tạm, ngủ lán, miếng sắn cõng hạt cơm, 4 đứa con lần lượt ra đời, ríu rít theo nhau lớn giữa trăm bề thiếu khó. Nhưng nhờ thuận chồng vợ, nên cuộc sống gia đình cũng dần ổn định theo mùa vụ.
Nay đã nên thiên chức ông, bà nội, ngoại. Đã làm được ngôi nhà sàn ba gian, hai chái chắc chắn, nhưng mỗi lúc nhớ lại những ngày về đây khai khẩn đất, gian nan, cơ cực mà bền lòng, vững chí. Những lúc khó khăn nhất, vợ chồng ông Đáo, bà Ly lại nhắc nhủ nhau: Mình là đội viên Đại đội 915. Dù khổ thế, khổ nữa thì mình cũng hơn nhiều đồng đội là được trở về từ từ cõi chết.
Niềm tự hào về Đại đội 915 đã tiếp thêm cho vợ chồng họ sức mạnh, vượt lên mọi hoàn cảnh để sống một cuộc đời thật sự có ý nghĩa. Và cũng từ nhiều năm nay, ngôi nhà của vợ chồng ông Đáo, bà Ly luôn ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Có mặt ở đó, ông Ma Văn Nhưỡng, công chức Lao động - Xã hội xã Phong Huân đã nói với chúng tôi về hạnh phúc của bà Ly, ông đáo bằng từng khẩu từ bình dị, nhưng thấm thía: Rất giản đơn, vì cả hai vợ chồng ông Đáo, bà Ly từng ở một đại đội, từng một thời làm đường dưới bom đạn thù, và từng bước ra từ cõi chết. Nên vợ chồng họ thấm thía sâu sắc hơn tất cả chúng ta về giá trị của cuộc sống. Quê hương Phong Huân, rừng núi Phong Huân (Chợ Đồn) tự hào có những người con như thế.