Gặp những chàng trai xứ Trà ở Trường Sa

09:28, 08/06/2018

Trong hải trình trên chuyến tàu Trường Sa 571 đến thăm và tặng quà cho quân, dân quần đảo Trường Sa lần này, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được gặp những người con quê hương xứ Trà đang góp sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình dựng xây và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vượt qua hơn 320 hải lý, người đầu tiên trong chuyến hành trình mà chúng tôi gặp đó là Trung úy Nguyễn Trọng Đại, đang làm nhiệm vụ tại Đảo Sinh Tồn. Ra đảo công tác gần 1 năm mà nắng, gió biển đã nhuộm nước da của Đại thành một màu màu bánh mật khỏe khoắn. Gặp những đồng hương Thái Nguyên, Đại xúc động kể: Cách đây mấy tháng có đoàn từ đất liền ra thăm và tặng quà, em có được gặp chị Hà công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Và đây là lần thứ hai em được gặp đồng hương trên đảo. Điều khiến em vui nhất là được nhận tấm ảnh mà các anh chị đã chụp với bố mẹ em khi đoàn lên thăm và tặng quà gia đình trước ngày đi Trường Sa. Qua lời các anh chị, biết bố mẹ vẫn khỏe là em thấy rất vui và yên tâm công tác. Ra đảo nhận nhiệm vụ em mới thấy hết những khó khăn vất vả mà quân và dân trên đảo phải đối mặt đó là môi trường thời tiết khắc nghiệt, nắng, gió, bão. Nơi đây chỉ cách đảo Gạc Ma (nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép) vài hải lý… Song em luôn xác định đã là người lính dù ở bất cứ môi trường nào mình cũng phải cố gắng thích nghi, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhớ hôm cùng đoàn công tác của tỉnh trước khi đi thăm và tặng quà quân dân đảo Trường Sa lên thăm và tặng quà gia đình Đại, khi nói về con mình bố Đại rất tin tưởng: Tuần nào cháu cũng gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ, công việc làm ăn của gia đình. Khi cháu ra đảo nhận nhiệm vụ, vợ chồng tôi rất lo lắng vì đọc báo, xem ti vi thấy trên biển đông khả năng tranh chấp chủ quyền, tài nguyên có chiều hướng căng thẳng và phức tạp. Bên cạnh đó, môi trường, khí hậu khắc nghiệt. Song qua các cuộc điện thoại của cháu, tôi yên tâm rất nhiều vì được biết Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến quân và dân trên đảo. Trên đảo, cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi để cải thiện thêm bữa ăn hằng ngày. Tôi luôn răn dạy con mình luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương… được thế là vợ chồng tôi cảm thấy rất tự hào về cháu.

Rời Sinh Tồn, con tàu rẽ sóng đưa đoàn công tác đến thăm đảo nổi Đá Tây điểm B. Bất ngờ nhất với chúng tôi gặp anh Dương Đình Vinh, quê ở xã Bảo Linh, huyện Định Hóa hiện đang công tác ở Trạm dịch vụ hậu cần DK1. Trên gương mặt còn đẫm mồ hôi vì phải vượt qua hàng chục hải lý, anh Vinh hồn hậu kể: Tôi làm nhiệm vụ trên đảo Đá Tây A. Biết tin trong đoàn công tác số 11 ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa lần này có đoàn của tỉnh Thái Nguyên, mừng quá, tôi đi nhờ tàu đánh cá sang đây để gặp các đồng hương… Sau những cái ôm, tay siết chặt bàn tay như những người thân xa nhau lâu ngày gặp lại, anh bồi hồi kể tiếp: Tôi nhập ngũ năm 1987, đơn vị đóng quân ở nhiều nơi Cao Bằng, Bắc Kan, Lạng Sơn. Tôi ra đảo làm nhiệm vụ cũng được gần 15 năm, hiện nay tôi đã chuyển vợ con vào T.P Hồ Chí Minh để thuận lợi hơn vì gần đơn vị. Nhiệm vụ của đơn vị tôi là chuyên cung cấp các mặt hàng trợ giá cho bà con khai thác hải sản trên các ngư trường. Đồng thời đảm nhiệm dịch vụ sửa chữa tàu, thuyền. Cách đây  hơn 5 năm khi đang làm nhiệm vụ trên đảo tôi được đoàn của Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến động viên, tặng quà. Hôm nay được gặp đồng hương, trong đoàn có 5 đồng chí là người Định Hóa, được biết tình hình quê nhà tôi vui lắm. Mong một ngày nghỉ phép gần nhất về thăm quê nhất định anh em mình sẽ gặp lại nhau…

Trường Sa lớn là điểm dừng chân lâu nhất của đoàn công tác, từ 13h30 đến 21h đêm. Do đó cả đoàn được hòa mình vào buổi giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân, đất liền và biển đảo. Điều đặc biệt hơn, tại đây đoàn được gặp 03 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, đó là Thượng úy Lê Văn Thọ, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương; Thiếu tá Vũ Đình Hòa, xã Thanh Ninh và Trung úy Dương Tuấn Hải, xã Tân Đức, huyện Phú Bình. Cầm trên tay bức ảnh của mẹ và anh trai mình nhận quà của đoàn công tác Trường Sa, Thiếu tá Vũ Đình Hòa xúc động kể: Ra Trường Sa tôi xác định đây là tuyến đầu của Tổ quốc. Mặc dù vợ con tôi đều ở Nha Trang, song ở quê vẫn có mẹ già. Mẹ tôi năm nay đã ngoài 85, cái tuổi gần đất xa trời vì thế khi nghe tin tôi ra đây nhận nhiệm vụ bà rất lo lắng. Vì thế, trước khi ra đảo, tôi về quê làm công tác tư tưởng với mẹ để bà yên tâm hơn. Hôm nay biết tin quê nhà mẹ và anh trai, các cháu đều khỏe, công tác tốt, tôi vui lắm.

Khi tôi đưa Thiếu tá Vũ Đình Hòa tờ báo Thái Nguyên, anh rất vui khi biết những sự kiện, những thành tựu, đổi thay của quê hương, anh trải lòng: “Biển đảo là nhà của tôi, còn gia đình là hậu phương vững chắc. Nhờ sự cảm thông, chia sẻ của gia đình mà tôi yên tâm công tác ở nơi đảo xa này...”.

Thời gian ở đảo không nhiều, thật may mắn khi chúng tôi được gặp những người con xứ Trà đang góp sức mình vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn vùng trời biển thiêng liêng của Tổ quốc. Qua câu chuyện kể thú vị chứa đựng cả sự tự tin và tinh thần quyết tâm của những người lính, trải qua môi trường rèn luyện và thử thách khắc nghiệt ở Trường Sa, chúng tôi càng cảm phục sự sự hy sinh, tinh thần vượt khó của những người chiến sĩ hải quân… Giữa đảo xa, có những người lính xứ Trà đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ biển trời, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thật vinh dự và tự hào biết bao.