Chuyến đi được thực hiện vào trung tuần tháng Tư. Từ lúc 5 giờ sáng, trời còn nhá nhem tối, nhìn chưa rõ mặt mà các thành viên trong Tổ sưu tầm tư liệu cuốn sách “Đại đội 915 - Khúc tráng ca bất tử” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triệu tập đã tề tựu đầy đủ tại sân Tỉnh ủy. Ai nấy hăm hở, sẵn sàng lên đường.
Vì đây là một chuyến về nguồn tìm gặp lại những chứng nhân lịch sử, và để sẻ chia với thân nhân liệt sĩ Đại đội 915, Đội thanh niên xung phong 91 (TNXP), tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn). Một nhiệm vụ quan trọng, nên chuyến về nguồn lần này được lãnh đạo hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hết sức quan tâm, tạo mọi thuận lợi cho thành viên Tổ sưu tầm hoàn thành nhiệm vụ. Trước ngày lên đường, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trực tiếp giao nhiệm vụ: Từng thành viên trong Tổ phải nghiêm túc làm việc, làm việc có khoa học, thẩm định chính xác từng thông tin nhỏ về cá nhân cựu TNXP, thân nhân liệt sĩ TNXP và tuyệt đối không gây phiền, làm ảnh hưởng tới đời sống của họ.
Trên dọc đường từ T.P Bắc Kạn về huyện Chợ Đồn, rồi đi tiếp về xã Bằng Lãng, vùng đất có những cái tên thoạt nghe đã thấy rừng, thấy núi, là: Lắc, Nà Khắt, Khuổi Tặc, Noóng Củng, Pú Cà, Tủm Tó… hình ảnh về những cựu TNXP Đại đội 915 hiển hiện trong tâm trí tôi, hồn nhiên, vô tư làm nhiệm vụ vá đường, san lấp ổ gà, tải lương, đạn. Cả lúc hiểm nguy nhất, họ vẫn dành nhau được lên đường làm nhiệm vụ. Sau trận bom B52 đêm Noel năm 1972, 60 TNXP đã hoá thân thành hồn thiêng sông núi.
Mới đó đã 46 năm, nhưng với những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần B52 như cựu TNXP Hoàng Văn Thắng, thôn Nà Duồng (Bằng Lãng) thì không bao giờ nguôi quên. Vết thương trên da thịt đã lành, song vết thương lòng thì còn đấy, nhắc nhớ một niềm đau. Bị mất một mắt, bị sức ép bom đạn nên khi về đời thường, ông Thắng sống ngơ ngác, đến cả cơm gạo cũng nhờ cậy vào người em ruột của mình là ông Hoàng Văn Thăng. Trong căn nhà nhỏ, tài sản không có gì ngoài mấy bộ quần áo cũ, vậy nhưng khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng, có cần hỗ trợ, giúp đỡ gì? Ông nói chân chất: Có là gì, nhiều đồng đội tôi phải nằm lại nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên), pò, mè (bố, mẹ) họ thiệt thòi nhiều lắm, hãy quan tâm đến cuộc sống của các thân nhân liệt sĩ.
Không đòi hỏi cho riêng mình. Một nghĩa cử cao đẹp đáng được người đời chân quý. Tôi suy nghĩ miên man trên suốt dọc đường về thăm thân nhân liệt sĩ Ma Thị Tây, thôn Búc Duộng, xã Lương Bằng. Chợt giật mình vì ông Ngôn Văn Trình, cán bộ văn hóa - xã hội vỗ vai tôi nói nhỏ vẻ quan trọng: Mấy hôm rồi trời mưa nhiều quá, đường thôn Búc Duộng bị sạt ta luy dương, lo không vào được. Tôi bảo: Không sao, chúng ta có thể “mở đường”, hoặc đạp lên những bờ đất mà tìm về với gia đình liệt sĩ.
Đường dốc loắc ngắc, đất đồi mới lở xuống, trơn truội. Dọc bên đường, từng mảng đồi vỡ ra, màu đất đỏ ối tràn xuống đường. Rồi… nhà ông Ma Ngọc Xôi đã hiện ngay trước mặt. Không có ai ở nhà, tôi bắc loa miệng hú thành tiếng dài. Quả nhiên một loáng sau đã có tiếng người rất gần. Ông Xôi - người thờ cúng liệt sĩ Ma Thị Tây cùng mấy đứa cháu đang làm nương gần đó trở về. Ông Xôi kể: Gia đình tôi có 11 anh chị em. Cô Tây là con thứ 7. Ngày nhỏ, nhà nghèo, toàn phải vào rừng đào củ mài ăn thay bữa. Tôi đi bộ đội năm 1965, đến cuối năm 1972 nhận được thư của bố, lúc đó đang đánh nhau với giặc ở cao điểm 723 - Savannakhet (Lào). Thư bị cháy gần hết, chỉ còn một đoạn ngắn, song đầy đủ thông tin: Cái Tây đi TNXP, bị trúng bom, hy sinh rồi con ạ.
Còn đau đớn nào hơn mất người thân. Tôi bùi ngùi, giọt nước mắt chợt rơi lên cuốn sổ ghi chép. Từng trang giấy trắng xếp nếp trong cuốn số tay của tôi đã ghi lại khá nhiều hoàn cảnh hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ Đại đội 915. Tất cả các anh, chị đều còn rất trẻ, lòng trắng tinh khôi như trang vở học trò, nhưng sĩ khí yêu nước, khát vọng hòa bình vô cùng sâu nặng. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một miền quê, nhưng các anh chị: La Thị Tỏe (Phương Viên), Lưu Thị Tươi (Đại Sảo), Nông Thị Hòa (Quảng Bạch), Tràng Văn Vui (Tân Lập), Ma Ngọc Sơn (Đông Viên), La Thị Ngoàng (Quảng Bạch)… cùng gác lại hạnh phúc riêng, nguyện hiến dâng tuổi xuân mình cho đất nước.
Chiến tranh đã khép lại thành quá khứ nhưng còn đó niềm đau. Một niềm đau hòa trộn, đan xen giữa mất mát và hãnh diện. Tôi nghĩ như thế, bởi trong chuyến công tác khá đặc biệt lần này, khi gặp những người trở về từ “cõi sinh tử”, và gặp thân nhân các Anh hùng liệt sĩ, tôi đều nhận thấy từ thẳm sâu mỗi người niềm đau và ánh mắt tự hào. Đau vì mất người thân. Và tự hào vì được hiến dâng cho Tổ quốc.
Thiêng liêng lắm mà đau thương cũng nhiều. Nên trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, khai thác thông tin, sưu tầm tài liệu, hiện vật về Đại đội 915, chúng tôi không quản mưa, nắng; chẳng nề nan đường dốc, khi đi bộ, lúc đi xe, leo đèo, lội suối, qua từng khu ruộng lúa đang vào độ kéo sữa làm đòng tìm về những địa chỉ liên quan đến nhiệm vụ. Với riêng tôi, hơn 30 năm theo nghiệp đi và viết, từng gặp nhiều người là chứng nhân lịch sử, nhưng khi đến với các gia đinh liệt sĩ TNXP, từ sâu đáy lòng có gì đó mang niềm đau vời vợi. Bởi sau trận bom B52 đêm 24-12-1972, có nhiều trường hợp TNXP của Đại đội 915 chưa được hưởng chế độ thương binh; một số TNXP hy sinh chưa được công nhận ngay là liệt sĩ. Nên bản thân một số cựu TNXP, thân nhân liệt sĩ TNXP phải nén giấu nước mắt để tìm lại công bằng cho mình, cho người thân.
Khi ngồi vào bàn viết lại chuyến về nguồn Đại đội 915, hình ảnh những người mẹ liệt sĩ lại hiển hiện trước mắt tôi, với vóc dáng khô gầy mà hiên ngang, vĩ đại lạ lùng. Và tôi nhớ rất rõ trong chuyến đi ấy, khi đến nhà ông Ma Văn Đại, thôn Nà Khằn, xã Nghĩa Tá, người thờ cũng liệt sĩ TNXP Ma Thị Lâm. Ông Đại là anh trai của liệt sĩ. Hơn 40 năm nay, vào ngày Noel, ông thường ra vườn hái một bông hồng trắng đặt trước di ảnh em gái mình, thắp nén nhang cầu cho em siêu sinh tịnh độ.
Và tôi viết bài này, nguyện như một chút lòng thảo thơm riêng mình, kính dâng các Anh hùng liệt sĩ, và kính tặng các cựu TNXP Đại đội 915 Anh hùng.