Chuyện kể về ông Việt

09:53, 27/07/2018

Đến các xã Cát Nê, Tân Thái (Đại Từ), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về ông Dương Mạnh Việt, từng là quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào với những chiến công xuất sắc tiêu diệt và phá hủy nhiều vũ khí của địch trên đất bạn và ở mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, sau khi giải ngũ về hưu, ông đã trải qua mọi khó khăn nguy hiểm vượt trên 30.000 km, tự túc kinh phí để quy tập được hài cốt 164 liệt sĩ hy sinh trên nước bạn Lào về quê hương. Ông thường được mọi người gọi với cái tên trìu mến: Ông Việt “hài cốt”.   

Những chiến công cùng đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ

Đã nghe kể nhiều về ông, nhưng chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi gặp mặt. Ông Việt trẻ hơn so với tuổi 67 của mình. Vóc dáng thư sinh dong dỏng cao, khuôn mặt góc cạnh, kiên nghị, nhìn ông giống như một thầy giáo và không ai có thể nghĩ, đó là một chiến sĩ quả cảm, kiên cường trong chiến đấu với những chiến công vang dội. Đồng đội và ông đã kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện chiến đấu và quy tập hài cốt liệt sĩ của họ, trong những năm kháng chiến chống Mỹ và cả trong thời bình. Chuyện kể rằng:

Đó là trận đánh ngày 21/10/1970, ông Việt được giao nhiệm vụ cùng Trung đội 4, Đại đội 62, Tiểu đoàn 923 Trung đoàn 766- Bộ Tư lệnh 959 tập kích vào 1 đơn vị sỹ quan hỗn hợp Nam Triều Tiên, Philipin, Nguỵ Sài Gòn, Nguỵ Nôm Pênh, Nguỵ Thái Lan, Nguỵ Lào đang huấn luyện tại sân bay thấp Phu Cúm - Luông Pha Băng, Lào. Trung đội của ông đặt mìn định hướng DH10 xung quanh doanh trại địch. Đến 22 giờ ngày 21/10/1970, trung đội được lệnh bắn B40, B41 vào doanh trại địch và bấm mìn để tiêu diệt toàn bộ doanh trại địch. 

Đại tá Trần Ngọc Mã, tổ dân phố số 2, phường Lương Châu, thành phố Sông Công cho biết: Chúng tôi là những người cùng đơn vị tham gia chiến đấu, nên đều khâm phục hành động anh hùng, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu của ông Việt.

Ngày 28/4/1972, ông Việt cùng 2 đồng đội là Nguyễn Khiêm quê ở thị xã Yên Bái và Nguyễn Văn Minh, quê ở xã Tràng Xá (Võ Nhai), được Chính ủy Trung đoàn 766 giao nhiệm vụ đặt bộc phá phá kho xăng và trận địa pháo của địch tại sân bay Cao Phu Cúm - Luông Pha Băng (Lào) để làm hiệu lệnh cho toàn mặt trận. 22 giờ cùng ngày, ông Việt ra lệnh nổ bộc phá. Bộc phá của ông Việt không nổ, chỉ có bộc phá của ông Minh nổ cũng khiến cho cả kho xăng, kho hậu cần của địch bốc cháy dữ dội. Lúc ấy ông Việt suy nghĩ rất nhanh trong đầu “phải tìm cách nổ được bộc phá”. Nghĩ là làm, ông cầm lấy khẩu B41 của ông Khiêm chạy thẳng vào chỗ đặt bộc phá cách 30m bóp cò, quả đạn B41 làm kích nổ khối bộc phá, khiến cho cả hệ thống kho cháy nổ suốt 4 ngày đêm, phá hủy tan tành trận địa pháo 105mm, 106,7mm cùng hàng trăm tấn đạn dược của địch.

Ông Việt và những đồng đội còn sống, không bao giờ quên trận đánh ngày 2/5/1972, tập kích vào đồi A1 Phu Cúm. Ông được giao phụ trách một mũi đột phá. 18 giờ cùng ngày, ông chỉ huy đội của mình đánh quả bộc phá thứ nhất, phá hủy 2 lớp hàng rào bùng nhùng, 7 đồng đội lên đánh đều hy sinh ngay tại cửa mở. Trước tổn thất ấy, nén đau thương, ông yêu cầu Đại đội trưởng Lù A Sề cho 2 xạ thủ B40 là Lê Văn Tê (quê Kiến An, Hải Phòng) và Trịnh Hồng Thái (quê Đại Từ, Thái Nguyên) thay nhau bắn đồi A1, yểm hộ cho ông mở hàng rào. Ông Việt đã đánh liên tục 3 quả bộc phá ống, mở được 5 lớp hàng rào. Còn quả bộc phá khối 15kg (hợp chất C4) đánh sập tà luy mở đường cho xung kích tiêu diệt địch. Dây cháy chậm của quả bộc phá bị tuột, ông đã dùng thủ pháo tay đánh kích thích khối bộc phá. Chạy ra được 10m, bộc phá nổ ném ông đi xa vài chục mét, bị thương và ngất đi. Khi tỉnh lại, ông thấy nhiều tử sĩ và thương binh, trong đó có ông Trịnh Hồng Thái bị thương vào đầu rất nặng. Bọn địch lại hò hét xông lên phản kích, không kịp nghĩ nhiều, ông đã dùng AK bắn yểm hộ cho đồng đội chuyển thương binh và tử sĩ ra ngoài. Sau đó cùng đồng chí Hà Thanh Hải quê ở xã Phú Thịnh- Đại Từ- Thái Nguyên dìu nhau rời khỏi trận địa. 

Nói về chiến công này, đồng đội của ông đã không ngớt lời khen ngợi. Ông Trần Huy Thiết, ở xã Ký Phú (Đại Từ), là đồng đội cùng tham gia trận đánh đã nhận xét: đồng chí Việt rất dũng cảm trong trận đánh Phu Cúm ngày 28/4/1972 với việc đã đặt bộc phá, phá hủy hoàn toàn trận địa pháo của  địch.

Ông Trịnh Hồng Sáng, ở xã Bình Thuận (Đại Từ), cùng tham gia trận đánh đã xác nhận: Đồng chí Dương Mạnh Việt đã chiến đấu rất dũng cảm, có hành động của một người anh hùng, đặc biệt là trận đánh đồi A1 Phu Cúm - Luông Pha Bang - Lào. Từ ngày 28/4/1972 đến 2/5/1972, đồng chí Việt đã một mình đánh liên tiếp 4 quả bộc phá mở hàng rào, tà luy, trận địa pháo của địch tạo điều kiện cho lực lượng xung kích do tôi chỉ huy tiến công tiêu diệt địch. 

Năm 1973-1974, ông Việt được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội quy tập liệt sĩ thuộc tiểu đoàn 923, đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959 tại khu vực Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng (Lào). Trong 2 năm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, độc hại, mùi hôi thối, tỉ mẩn tìm từng phần hài cốt của đồng đội, ghi chép đầy đủ danh tính và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn- Nghệ An, nghĩa trang Bá Thước - Thanh Hoá 2.200 liệt sĩ với đầy đủ danh tính, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông vinh dự được kết nạp Đảng tại mặt trận.

Tháng 1/1975, ông Việt tham gia chiến dịch Tây Nguyên thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tại mặt trận Buôn Ma Thuột. Tại mặt trận này, ông đã lập công xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba năm 1976.

Những giấc mơ nối tâm linh với đời thường

Trở về với đời thường, cuộc sống của ông Việt cũng không được dư giả, khi mọi chi phí của 5 thành viên trong gia đình đều trông vào lương hưu của ông và quán ăn nhỏ của vợ. Nhưng được sự ủng hộ của vợ và các con, từ năm 2006-2012, ông Việt đã nhiều lần tình nguyện trở lại chiến trường trên đất bạn Lào để quy tập hài cốt đồng đội đưa về nước. Ông kể: Kết thúc chiến tranh trở về địa phương công tác, tôi mang theo bản đồ, sơ đồ của nhiều nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam với lời dặn dò của thủ trưởng: “Đồng chí giữ bản đồ này chờ đến khi có lệnh”. Suốt 32 năm, tôi luôn đinh ninh sẽ có ngày sử dụng đến các bản đồ này, nên đã lưu giữ rất cẩn thận. Năm 2006 tôi nhận được thông tin và đã cung cấp bản đồ, hồ sơ hàng chục nghĩa trang với trên 1.000 liệt sĩ cho các đội quy tập liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tại Xiêng Khoảng và đội quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá tại Hủa Phăn.

Ông Việt cũng đã có 14 lần trực tiếp tham gia cùng các Đội, quy tập được 164 liệt sĩ. Tham gia tiến hành, xác minh thông tin thông báo cho thân nhân về danh tính liệt sĩ theo trích lục hồ sơ và giám định ADN. Việc làm này của ông đã được thân nhân các liệt sĩ khắp các miền Nam - Bắc cảm ơn, chia sẻ như người ruột thịt trong gia đình. Ông đã nhận làm con trai của mẹ Trịnh Thị Ngọ (có con là liệt sĩ Trịnh Hồng Thái), ở xã Phú Xuyên (Đại Từ). Trả lời câu hỏi: Vì sao lại vượt qua bao khó khăn, bỏ ra thời gian, công sức, tiền bạc, để sang Lào quy tập hài cốt các liệt sĩ? Ông Việt bảo: Mình cùng đồng đội chiến đấu, may mắn được trở về thì bên cạnh nhiệm vụ mình còn phải có trách nhiệm phải tìm lại hài cốt những đồng đội còn nằm lại trên chiến trường ở đất bạn về với quê hương, về với nhà mình chứ! 

Trầm ngâm thật lâu, ông bảo: Lúc đầu chỉ vì lý do đơn giản phải đưa bạn mình về nhà, nhưng về sau cứ mỗi khi mình nằm ngủ, lại mơ thấy đồng đội gọi bảo: Sao đưa bao nhiêu người về mà lại không đưa chúng tôi về? Thế là lại kiểm điểm xem có bỏ sót đồng đội nào nằm lại chiến trường không. Rồi những chuyến đi nối tiếp chuyến đi, thậm chí có lần ông cùng đồng đội đi thăm lại chiến trường xưa, các bạn Lào tiếp đón nồng hậu và ngỏ ý với đoàn, để ông ở lại giúp tìm hài cốt liệt sĩ. Có lần ông đang lên cơn sốt cao, lại nhận được điện thoại của đội quy tập hài cốt liệt sĩ gọi: “Anh phải sang bên này giúp chúng em, chứ theo hồ sơ tìm hoài không thấy”. Vậy là lại khăn gói lên đường.

Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện khá thú vị về giấc mơ gắn tâm linh với đời sống thực. Ông bảo có lần cùng đội quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là đội quy tập), đi tìm nơi chôn cất tập thể của liệt sĩ. Trong hồ sơ ghi chôn trong cùng một hố. Anh em đào xới các hố xung quanh, không phát hiện được gì. Mọi người đành ra về. Tự nhiên lúc ấy, ông cảm thấy rất lạnh, người đảo tròn, bên tai lao xao tiếng nói của rất nhiều người. Ông chỉ nghe rõ có tiếng bảo: “Chúng tôi ở trong chiến hào”. Sau đó, ông mất ý thức và được đồng đội đưa về nơi tập kết. Khi tỉnh lại, ông đã gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng Khăm Hùng Vương, yêu cầu cho lực lượng vào tìm lần nữa. Lần này theo chỉ dẫn của ông, đào trong chiến hào đã phát hiện rất nhiều xương cốt lẫn lộn. Cả Đội phải đếm xương răng để xác định được 37 liệt sĩ. Rồi có lần, sau một chuyến đi quy tập liệt sĩ trở về, đang ngủ ông bật tỉnh vì thấy như có người vỗ vai bảo: “Sao lại bỏ sót hai chúng tôi”. Vậy là ông lại đề nghị Đội trở lại tìm lần nữa và quả thật đã tìm được thêm hai liệt sĩ. Còn rất nhiều lần, ông mơ liệt sĩ nói muốn được dẫn về nhà, muốn được mua cho thuốc lá, quần áo, giày mũ… và lần nào giấc mơ cũng ứng với đời thực. Ông đọc vanh vách tên, địa chỉ của rất nhiều liệt sĩ. Thấy vẻ khó tin của chúng tôi, ông bảo: Có lẽ chúng tôi gắn kết với nhau trong chiến trường sinh- tử nên dễ cảm nhận được ý nguyện của nhau. Cái tên ông Việt “hài cốt” cũng được gọi từ đây!

Từ những việc làm của mình, hiện là Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, ông Việt đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng Ban Liên lạc vững mạnh toàn diện, thực tốt nhiệm vụ tình nghĩa, đoàn kết, truyền thống và đối ngoại nhân dân. Đóng góp của ông Việt đã được Đảng, Nhà nước, nhiều bộ, ngành ghi nhận với những thành tích như: Năm 1972 và 1976 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; từ năm 1970 đến 1975 đạt 5 danh hiệu chiến sĩ thi đua; năm 1978 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì; năm 2004 được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; năm 1983 được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; năm 1974 được Trung đoàn 766 Bộ Tư lệnh 959 tặng Bằng khen; năm 2015 được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen; năm 2016 được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen; năm 2017 được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tặng Bằng khen. Với những thành tích như vậy, ông Dương Mạnh Việt đã được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nghe chúng tôi hỏi ông còn ước nguyện gì không? Ông cười bảo: Tôi vẫn sẵn sàng cho những chuyến đi, tìm đồng đội trở về đất mẹ và mong muốn các thế hệ sau, mãi mãi trân trọng lịch sử, ghi nhớ công lao, sự hy sinh của những người đi trước vì độc lập tự do của dân tộc.