Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ và người có công luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích cực, có hiệu quả. Đây vừa là tình cảm, lương tâm, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hiện nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ; trên 127 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân của họ đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Những năm qua, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, phong trào chăm sóc người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của LLVT Quân khu và toàn xã hội. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đều tích cực tham gia đóng góp ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hàng tỷ đồng. Các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng... đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, tăng cường an sinh xã hội và “thế trận lòng dân” vững chắc.
Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, LLVT Quân khu và nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã nỗ lực vượt bậc, triển khai hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều giải pháp, bước đi thích hợp, có hiệu quả. Tuy vậy, đến nay, chính sách người có công còn một số bất cập: một bộ phận người có công vì nhiều lý do vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách; hồ sơ tồn đọng còn nhiều; một số ít người khai man hồ sơ, trục lợi chính sách chưa được xác minh, xử lý nghiêm; số liệt sĩ chưa được quy tập và xác định danh tính còn nhiều. Vẫn còn không ít người có công gặp khó khăn về nhà ở và con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh khó khăn trong học tập, việc làm... Bởi vậy, để thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị LLVT Quân khu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân đẩy mạnh hoạt động xã hội trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT Quân khu thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công. Làm cho mọi tổ chức chính trị xã hội và nhân dân thấy rõ: thực hiên công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, là hành động thiết thực nhằm tiếp tục phát huy lòng bác ái, hiếu nghĩa, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” hiện nay chính là việc làm thiết thực, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, với phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc người có công; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, học tập, công tác.
Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo đó, tập trung tu bổ, sửa chữa nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, các công trình ghi công liệt sĩ, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN. Tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế. Tổ chức thăm hỏi, động viên đối tượng người có công tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh và gia đình chính sách tiêu biểu.
Quán triệt quan điểm của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, chủ động khai thác mọi tiềm năng, thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện để người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng của LLVT Quân khu và của cả hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, không chỉ cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.