Những bác sĩ áo xanh trên quần đảo Trường Sa

09:16, 21/07/2018

Trên các đảo của quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn ấn tượng với những chiến sĩ, bác sĩ đang ngày đêm lặng thầm thực hiện công việc nhưng không kém phần quan trọng là khám chữa bệnh cứu người. Mặc dù điều kiện, trang thiết bị thiếu thốn, song họ đã vượt lên khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và bà con ngư dân, những điểm chăm sóc y tế trên các đảo trở thành điểm tựa quan trọng để bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng đoàn công tác số 11 thăm quần đảo Trường Sa những ngày đầu tháng 5-2018, có mặt tại Bệnh xá Quân y trên đảo An Bang mặc dù đang vào giờ nghỉ trưa nhưng chúng tôi thấy các y, bác sĩ ở đây vẫn tranh thủ thời gian để sắp xếp, kiểm tra lại hệ thống thiết bị, số lượng thuốc nhằm phục vụ tốt nhất cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân khi cần. Bệnh xá hiện có 4 cán bộ, y bác sĩ. Dù là đảo nhỏ nhưng thuốc kháng sinh, trang thiết bị nơi đây luôn đầy đủ để sẵn sàng thực hiện sơ, cấp cứu ban đầu cho chiến sĩ và ngư dân. Những trường hợp cấp cứu nặng, bác sĩ trên đảo sẽ kết nối với bệnh viện trong đất liền để xin hỗ trợ và giải pháp điều trị phù hợp từ các thầy thuốc chuyên khoa hàng đầu.

Trao đổi cùng chúng tôi, bác sĩ Phan Anh Tuấn, Bệnh xá Trưởng đảo An Bang cho biết: Ở ngoài này chúng tôi hầu như phải tự quyết định nhiều thứ. Bệnh xá có ít người, anh em chia sẻ công việc cùng nhau, nỗ lực hết mình vì người bệnh, vì nhân dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tháng trước, Bệnh xá đã phối hợp cấp cứu kịp thời cho ngư dân Nguyễn Khâm bị tai biến trong quá trình khai thác hải sản. Ngư dân Nguyễn Khâm là thuyền viên của tàu cá QNg 95861 TS  ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vào 16 giờ ngày 6-4, khi anh Khâm lặn sâu cùng các thuyền viên khác để bắt cá đã bị tai biến do giảm áp ở mức độ vừa. Khi được đưa lên tàu, anh Khâm có biểu hiện đau bụng, không tiểu tiện được. 10 giờ sau, anh Khâm được các thuyền viên Tàu QNg 95861 TS đưa lên đảo An Bang cấp cứu. Rất may mắn là lúc đó ngoài kíp quân y của đảo còn có các bác sĩ thuộc Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175 vừa ra đảo công tác. Chúng tôi đã cùng các bác sĩ đã tập trung cấp cứu, kết nối để hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện 4, Quân khu 4. Sau gần 30 phút cấp cứu, bệnh nhân Nguyễn Khâm đã qua được cơn nguy kịch. Đến 18 giờ cùng ngày, sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Khâm dần ổn định. Quân y đảo An Bang đã bàn giao bệnh nhân cho Tàu QNg 95861 TS để chuyển về bờ tiếp tục điều trị.

Hiên nay, ở quần đảo Trường Sa các bệnh xá đều được trang bị các thiết bị cơ bản như: máy siêu âm, điện tâm đồ, máy thở… Đội ngũ y, bác sĩ ở đây đều có thể mổ ruột thừa, điều trị chấn thương và một số bệnh nội, ngoại khoa. Các bệnh xá này còn có nhiệm vụ tiếp nhận các ca bệnh ở các đảo cấp 2, cấp 3 và nhân dân, ngư dân gặp bệnh tật, tai nạn trong quá trình tham gia đánh bắt hải sản trong vùng biển quần đảo. Đặc biệt ở một số đảo lớn, hệ thống khám bệnh từ xa Telemedicine vừa được lắp đặt đã có thể hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh xá kịp thời từ đất liền. Nhờ vậy mà thời gian gần đây các bệnh xá đã chẩn đoán được nhiều ca bệnh khó, mổ kịp thời cho nhiều bệnh nhân và cứu được những bệnh nhân bị hôn mê sâu, biến chứng nặng phải thở máy ngay trên đảo. Những nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ áo xanh trên các điểm đảo của quần đảo Trường Sa đã tạo niềm tin và động lực để những người lính biển kiên cường, bám trụ trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có mặt tại Đảo Trường Sa Đông khi trời vừa hửng sáng. Điều khác biệt mà tôi nhận thấy là ở đây có rất nhiều cây bàng đất liền, cây nào cũng nặng trĩu trái, có nhiều cây già vươn cành bao trùm tạo bóng mát, gợi cho ta khung cảnh của khu vườn thanh bình giữa đại dương bao la. Sau những cái bắt tay nồng hậu của lính đảo, tôi tìm đường xuống thăm bệnh xá. Tiếp chúng tôi tại nhà trạm, Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Trần Khoa, Bệnh xá trưởng cho biết thêm: Hiện trạm có 4 y, bác sĩ. Công việc thường ngày của trạm là nắm bắt, theo dõi sức khỏe của từng cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt là với những chiến sĩ lần đầu nhận nhiệm vụ tại đảo. Do chưa quen khí hậu, môi trường sinh hoạt nên rất dễ bị ốm đau vặt. Bởi vậy, việc theo dõi sức khỏe với những chiến sĩ này cần thường xuyên để có phác đồ điều trị hợp lý. Trung bình mỗi năm, Trạm khám và điều trị cho gần 500 ca, trong đó ¼ là ngư dân đi đánh cá trên ngư trường. Nói thêm về các ca chữa bệnh, hoặc cấp cứu do tai nạn lao động của ngư dân trên biển, bác sĩ Khoa cho biết, từ tiền thuốc cho tới việc chữa trị, ăn uống, bệnh nhân đều được miễn phí. Ngư dân tình cảm lắm, mỗi khi có dịp lên đảo đều có cá làm quà cho cán bộ, chiến sĩ. Họ luôn coi cán bộ, chiến sĩ của đảo như người nhà vậy. Đó cũng là động lực để chúng tôi nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được giao phó, vì biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xa nhà, xa người thân, bạn bè, đồng nghiệp; phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn… nhưng đối với những người bác sĩ quân y trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trên hết vẫn là y đức của nghề, sự tận tâm cứu chữa người bệnh của người thầy thuốc và nghị lực ý chí của người lính Cụ Hồ. Đó là điều mà chúng tôi cảm nhận được ở họ.