“Nước mắt mẹ không còn/ Vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, đi mãi mãi...”, lời bài hát “Người mẹ của tôi” của cố nghệ sĩ Xuân Hồng cất lên như một tình cờ trên dọc đường chúng tôi đi từ T.P Thái Nguyên lên tỉnh Bắc Kạn, để tìm về với những người mẹ liệt sĩ Đại đội 915, TNXP Đội 9, tỉnh Bắc Thái. Lời hát hào sảng mà trào dâng nghẹn ngào, một lời nói nhỏ có thể làm tôi vỡ òa thành nước mắt.
Phia Bjóoc, dãy núi cao nhất thuộc tỉnh Bắc Kạn, nơi khởi nguồn dòng sông Cầu. Phia Bjóoc chứng kiến bao thăng trầm một vùng đất, trong đó có những câu chuyện về một thế hệ trẻ hăng hái lên đường đi TNXP. Ở lại với Phia Bjóoc là những người mẹ đợi con về… Đang nghĩ ngợi miên man thì bà Đồng Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn kéo tôi về hiện thực bằng câu chuyện: Đại đôi 915 khi đó có 113 người, riêng tỉnh Bắc Kạn có 73 người. trận bom đêm Noel năm 1972 làm 60 người hy sinh, riêng tỉnh Bắc Kạn có 41 người (trước đó, tỉnh Bắc Kạn có nữ TNXP Hoàng Thị Cát hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ). Đau đớn nhất là huyện Chợ Đồn, 25 người. Nhiều xã có 2 người hy sinh, như: Phương Viên có liệt sĩ La Thị Tỏe, Lê Thị Thi; xã Nam Mẫu có liệt sĩ: Phùng Thị Tấm, Nông Thị Tốt; xã Đại Xảo có 3 người người ở Đại đội 915 là Nguyễn Văn Phùng, Tô Thị Giáp, Lưu Thị Tươi, duy có anh Phùng sau này trở về.
Tôi lặng đi, vì nói bất cứ lời nào lúc này cũng là thừa. Vì đã 46 năm ngày các anh, chị hy sinh, thời gian đủ để cho một con người sinh ra, trưởng thành, thậm chí là lên thiên chức ông, bà. Nhưng với bao người mẹ thì còn như mới vừa xảy ra. Đứng trước ngôi nhà sàn của mẹ Nguyễn Thị Vèn, thôn Bản Vèn, xã Lương Bằng (Chợ Đồn), chúng tôi đã phân vân rất lâu, nên bắt đầu câu chuyện về người con liệt sĩ của mẹ như thế nào, để mẹ không tủi thân. Đang lóng ngóng thì có một cụ bà 88 tuổi từ ngoài vườn trở vào. Đồng chí Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Chợ Đồn nói òa lên: Cụ Vèn, cụ là mẹ của liệt sĩ TNXP Lục Văn Tiến… 88 tuổi, mẹ Vèn còn minh mẫn, nói chưa lẫn một câu: Mẹ kể: Nhà mẹ có 9 người con, 3 con mẹ là Lục Văn Tọa, Lục Văn Tuyên, Lục Văn Đoản đi bộ đội. Còn Lục Văn Tiến đi TNXP. Năm ấy anh Tiến 21 tuổi. Trước ngày đi TNXP, Tiến đã có vợ và 1 con gái. Tiến đi được nửa năm thì mẹ nhận được giấy báo tử. Sau này, mẹ vẫn thường về Thái Nguyên thăm mộ con trai.
Nắm chặt bàn tay mẹ, đồng chí Ma Từ Đồng Điền, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn và đồng chí Lê Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên đã sẻ chia, động viên mẹ sống vui, sống khỏe. Tôi nhận thấy trong nụ cười hãnh diện của mẹ có giọt nước trong veo - Nước mắt của những người mẹ Việt Nam Anh hùng. Rồi như có một sức mạnh diệu kỳ tiểm ẩn từ đáy lòng, mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày anh Tiến tình nguyện đi TNXP. Và mẹ lấy cho chúng tôi xem những kỷ vật thiêng liêng của người con trai đang cùng đồng đội an nghỉ ở nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên). Mẹ giải thích: Theo phong tục tập quán, những gì của người khuất núi đều được hoá đốt để “họ” không về đòi. Nhưng mẹ không làm thế. Mẹ cất giấu trong hòm, tủ. Đây: Bằng Tổ quốc ghi công; Huân chương kháng chiến hạng Ba; Giấy báo tử; thư chia buồn của cán bộ chỉ huy Đội TNXP 91 tỉnh Bắc Thái; Huy chương Vì sự nghiệp Giao thông Vận tải; Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, mẹ chỉ lấy ra xem vào ngày giỗ con hằng năm… Nhìn người mẹ già tìm con trên trang giấy, ông Lê Văn Tuấn xúc động, bảo: Chúng con xin được nói lời biết ơn với mẹ, và tất cả các bà mẹ Việt Nam đã hiến tặng cho Tổ quốc những người con Anh hùng.
Tôi bùi ngùi: Vùng đất xa lắc của thượng nguồn dòng sông Cầu này chưa từng có bom rơi. Nhưng dư chấn đạn bom ngoài mặt trận giội về, nhức nhối, làm bao người mẹ mất con, vợ mất chồng và có những đứa trẻ như Lục Thị Yên (con gái liệt sĩ Lục Văn Tiến) mỗi lúc tủi thân cũng chỉ biết nhìn tên bố được ghi trên Bằng Tổ quốc ghi công…
Trở lại T.P Bắc Kạn, đến thăm gia đình bà Vũ thị Thu, tổ 9, phường Phùng Chí Kiên. Trong ngôi nhà xây hai tầng khang trang, tiện nghi khá đầy đủ, bà Thu luôn giấu xúc động bằng cách nhìn lảng ra vườn cây trước nhà. Bà là chị dâu của liệt sĩ TNXP Nguyễn Thị Loan. Bà kể: Ngày đi TNXP, cô Loan bảo với mẹ: Con đi để trả nợ nước, thù nhà. Vì trước đó ít năm, Loan có anh trai là Nguyễn Trọng Việt đi bộ đội, bị thương; chồng chưa cưới là anh Nguyễn Đức Đảng đi bộ đội đã anh dũng hy sinh năm 1969.
Thấy con quyết tâm lên đường đi phục vụ đất nước. Bà Nguyễn Thị Bẩy, mẹ chồng tôi, đồng thời là mẹ đẻ ra cô Loan nén giấu nước mắt vì thương con. Để nửa năm sau đó, mẹ tận mắt đọc dòng tên con gái mình trên tấm Giấy báo tử của Đội TNXP 91 tỉnh Bắc Thái gửi về. Lúc đó trái tim mẹ vỡ òa thành nước mắt. Mẹ không thiết ăn uống. Mẹ nằm bẹp trong buồng cả ngày. Vì khóc nhiều nên 3 năm sau đó, đôi mắt của mẹ bị phù thũng, rồi mù hẳn. Nhưng mẹ vẫn lần tìm khuôn mặt con gái trên di ảnh… “Đồng đội” với liệt sĩ Nguyễn Thị Loan ở T.P Bắc Kạn, có liệt sĩ TNXP Hà Văn Ly. Nhưng khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 4, tổ 9B, phường Nguyễn Viết Xuân, gặp cụ Mông Thị Chu, mẹ đẻ của liệt sĩ Hà Văn Ly. Thì mẹ đã mất từ gần 7 năm nay. Ông Hà Văn An, người thờ chúng liệt sĩ Hà Văn Ly cho biết: Vì ông Ly là con độc nhất hy sinh, nên cụ Chu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày còn sống, bà con trong vùng vẫn thường xuyên qua lại, chăm nom, động viên cụ.
Không ai hiểu con, thương con hơn người mẹ. Ông Long Văn Thất, thôn Nà Chá, xã Vi Hương (Bạch Thông) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Ông Thất là người thờ cúng liệt sĩ Long Thị My. Ông Thất kể: Gia đình tôi có 10 anh chị em, thì có 2 người đi bộ đội, 1 đi TNXP là chị My. Chị có nhiều tên gọi, nên ở Bằng Tổ quốc ghi công viết tên chị là Lang Thị My; trên Huân Chương kháng chiến hạng Ba ghi tên chị là Hoàng Thị My. Chị đi TNXP tháng 6-1972, rằm tháng Bảy năm đó chị được đơn vị thưởng phép về thăm nhà. Cùng về còn có 1 chị cùng đơn vị. Gặp lại con, mẹ tôi mừng lắm, song có gì đó gờn gợn như một linh tính mách bảo. Mẹ giành hết các việc thịt gà, nấu cơm, thổi xôi, làm bánh gai, còn chị cứ ngồi cạnh, làm lũng mẹ. 3 ngày sau chị trở về đơn vị, mẹ gói gà, xôi nhất định bảo chị mang đi để ăn đường. Khoảng 5 tháng sau đó, nhận tin chị hy sinh, mẹ ôm chặt chiếc ba lô của chị do đơn vị gửi về. Mẹ ốm liệt giường, sốt mê man, miệng gọi tên chị làm cả nhà không ai cầm được nước mắt.
Ông Thất đến ban thờ, lấy tấm ảnh chân dung của liệt sĩ Long Thị My, đưa cho chúng tôi xem, bảo: Cách đây ít năm, nghe tin bên xã Quân Bình, cùng huyện Bạch Thông, trước ngày đi TNXP chị có chụp ảnh chung với một người bạn, nên tôi đã tìm đến, mượn mang ra hiệu ảnh nhờ phô tô lại thành hình chân dung của chị. Cùng ở xã Vi Hương, liệt sĩ TNXP Triệu Thị Nái, thôn Nà Ít có anh trai là Triệu Tiến Thắng, liệt sĩ công an nhân dân. Ông Triệu tiến Xuân, em ruột liệt sĩ Triệu Thị Nái cho biết: Ngày nhận được tin chị Nái hy sinh, bà Triệu Thị Giàng, mẹ của chúng tôi đã nín lặng. Mẹ không khóc con trước mặt mọi người. Mẹ bảo: Vì 2 chữ hòa bình, thế giới có hàng triệu người mẹ mất con. Nhưng tôi biết lòng mẹ đau đớn lắm. Mẹ Giàng là người phụ nữ yêu nước, có nhiều đóng góp cho cách mạng. Mẹ được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Bằng có công với nước vì “Đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng”.
Trở lại huyện Chợ Đồn, chúng tôi đến thôn Nà Tấc, xã Phong Huân thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nông Thị Kinh, 98 tuổi mới thấy hết niềm đau đong đầy vinh dự đời người. Tuổi cao, sức yếu, mẹ vẫn từ buồng trong ra gặp chúng tôi. Mẹ ôm di ảnh các con mình vào lòng: Tôi đọc lại nhiều lần các dòng tên: Liệt sĩ Ma Văn Chi, hy sinh năm 1967; liệt sĩ Ma Thị Chảy, hy sinh ngày 24-12-1972. Gần 100 tuổi, nhưng mỗi lần nhắc đến tên con gái ở Đại đội 915, nước mắt mẹ lại rơi lên Bằng Tổ quốc ghi công. Ô Ma Văn Nhưỡng, công chức lao động, xã hội xã Phong Huân cho biết: Năm đó xã có 3 người đi TNXP, cùng vào Đại đội 915, chỉ có 1 trong 3 người trở về, còn lại đều yên nghỉ ở nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên).
Nhìn người mẹ yếu gầy sờ dòng tên con trên Bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Nhất là lúc nghe mẹ bảo: Mẹ mong một lần nữa trong đời, được về Thái Nguyên thắp lên mộ con gái nén hương… Ttất cả chợt lặng đi, chỉ có hạt mưa vô tình rơi bên hiên nhà sàn.