Tình người còn ở lại

14:54, 17/07/2018

Tháng Bảy, trời cao xanh là thế, mà chợt nặng trĩu mây. Rồi mưa như trút từ hướng núi Tam Đảo về. Cả một vùng đất thuộc huyện Đại Từ mờ đi trong màn nước. Chúng tôi vộp tấp vào Khu Di tích lịch sử 27-7, xóm Bàn Cờ (Hùng Sơn) tránh mưa. Nơi đây, 71 năm về trước (1947-2018) đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể, công bố bức thư đầu tiên của Bác Hồ gửi cho anh em thương binh, bệnh binh.

Vẫn còn đây tán đa cổ thụ ôm bóng mái đền cổ kính, che chở bia đá ghi lại dấu tích xưa. Nhìn mưa rơi xiên chéo trời tháng Bảy, tôi liên tưởng đến giọt nước mắt nuối nhớ người vì Tổ quốc hy sinh. Nhớ những người con trên thượng nguồn dòng sông Cầu phải ngã xuống vào đêm Noel năm 1972. Nhiều người trong số họ may mắn trở về, phải suốt đời đeo mang ám ảnh chiến tranh - Họ là những đội viên Đại đội 915, Đội 91 TNXP tỉnh Bắc Thái.

Tháng 6-1972, từ các lũng núi của Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pắc Nặm và T.P Bắc Kạn đã có những người con tình nguyện hiến dâng nhiệt huyết từ tim mình cho Tổ quốc. Tất cả họ đã làm việc hết sức mình cho nhiệm vụ thông đường và giải tỏa hàng hoá. Cái thời khắc oanh liệt, hào sảng và bi tráng được nhắc nhớ đến nhiều nhất là đêm Noel năm 1972. Hơn 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915 làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hoá tại ga Lưu Xá, thì có 7 người trở về. Ông Hoàng Văn Thắng, thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) là một trong số 7 người may mắn ấy. Ông Thắng bảo: 18 tháng đi TNXP, tôi gửi lại mặt trận 1 con mắt và mất đi vài chục phần trăm sức khỏe.

Sức ép của bom B52 vắt kiệt sức lực của một “trai rừng”. Nhiều lúc lên cơn đau đầu, ông bò ra vườn hái lá ngải, nướng qua trên bếp củi rồi cho vào lòng chiếc mũ cối, úp lên đầu. Có lần ông bảo: Giá như mình được nằm lại cùng đồng đội ở nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên), sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều là trở về… Tôi thấy từ bên hốc mắt đã hỏng của ông có giọt nước trong veo lăn dài trên gò má. Ông khóc vì thương nhớ đồng đội, và khóc vì tình nghĩa của mọi người trong cộng đồng xã hội dành cho mình. Bà Nguyễn Thị Nảy, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Chợ Đồn cho biết: Nhiều năm trước đây, ông Thắng phải sống trong túp lều nát. Thương ông, chính quyền địa phương hỗ trợ, bà con trong vùng góp sức làm tặng ông ngôi nhà gỗ. Đến năm 2014, nhà xuống cấp, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải đã trực tiếp hỗ trợ cho ông 50 triệu đồng để làm lại cho ông ngôi nhà đang ở hiện nay.

Trong ngôi nhà 2 gian, 1 chái dường như không có tài sản gì đáng giá. Cũng bởi thế mà mỗi lần đi đâu xa, ông Thắng không đóng cửa, bà con trong thôn đến chơi thấy ông hết gạo, cho gạo; hết muối, cho muối. Ai cũng sẵn lòng sẻ chia với mong muốn ông có một cuộc sống ổn định hơn.

Tình người ví như bếp lửa sưởi ấm bao cảnh nghèo. Nhất là với những cựu TNXP, thân nhân liệt sĩ TNXP Đại đội 915 đang có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Để đến được thôn Nà Bưa, xã Lương Bằng (Chợ Đồn), thăm, tặng quà cụ Ma Thị Hiền, 96 tuổi, mẹ của cựu TNXP La Thị Doanh, chúng tôi phải đi qua những eo đồi rừng trơn truội. Thấy chúng tôi đến thăm, mẹ mừng lắm, bảo: Đứa nào cũng giống con mẹ của ngày xưa.

Vâng! Cho đến tận bây giờ, ông Tô Văn Huân, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân (Chợ Đồn) vẫn còn nhớ như in ngày gia đình làm nhà mới. Bà con trong thôn đến giúp đào móng, chuyển vật liệu và trò chuyện an ủi. Ông Huân cho biết: Cùng với số tiền tích lũy của gia đình, Quỹ tài trợ xây dựng Đền thờ Liệt sĩ TNXP Gia Sàng (Thái Nguyên) hỗ trợ thêm, gia đình tôi đã có ngôi nhà chắc chắn để ở. Có mặt ở đó, ông Ma Văn Nhưỡng, Công chức Lao động - Xã hội xã Phong Huân cho biết: Ông Huân là người thờ cúng liệt sĩ Tô Thị Phùng, Đại đội 915. Gia đình ông Huân được hỗ trợ tiền làm nhà từ năm 2003. Còn bà Nguyễn Thị Hảo, Phó phòng Người có công (Sở Lao động, Thương binh - Xã hội tỉnh Bắc Kạn) sau khi thắp nén trầm thơm lên ban thờ liệt sĩ, bà bùi ngùi nói: Từ nhiều năm nay, các cấp, ngành chức năng và cán bộ, nhân dân trong tỉnh Bắc Kạn luôn thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; động viên kịp thời gia đình, thân nhân các Anh hùng liệt sĩ, trong đó có thân nhân liệt sĩ TNXP yên tâm, tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng, tích cực lao động, vươn lên làm giàu chính đáng.

Về T.P Bắc Kạn, gặp ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố. Hỏi thăm về tình hình đời sống của anh chị em cựu TNXP, chúng tôi được ông Chung cho biết: Thành phố có 260 hội viên cựu TNXP, trong đó có 3 hội viên nguyên là đội viên Đại đội 915. Hiện nhiều hội viên có cuộc sống khó khăn, nhưng cực nhất phải kể đến hoàn cảnh của bà Triệu Thị Nhình, thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng (T.P Bắc Kạn). Sau hoàn thành nhiệm vụ, về lại đời thường, lập gia đình như bao phụ nữ, nhưng bà Nhình phải sống với tháng ngày bất hạnh. Vợ chồng đưa nhau ra tòa, tài sản bà được chia sau cuộc hôn nhân là bé gái 1 tuổi. Bà chật vật làm lụng, nuôi con trong điều kiện thiếu khó đủ bề. Cảm thông, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng đã quyên góp, làm giúp mẹ con bà ngôi nhà đủ che nắng, chắn mưa. Ngày con gái đến tuổi trưởng thành, lấy chồng, sinh con. Bà giao lại nhà cho con dể, và đi theo tiếng gọi của ái tình. Bà cho biết: Năm 2016, tôi 59 tuổi, lấy chồng lần 2. Chồng tôi là ông Lưu Minh Trọng, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông). Ông Trọng là nạn nhân chất độc da cam. Vợ chồng vừa già, vừa nghèo nên rất mong được Nhà nước hỗ trợ giúp đỡ tiền làm lại nhà ở.

Ở đâu có khó khăn, thì tình người càng ấm áp, gần gũi. Tôi nghĩ như thế trên suốt dọc đường đến thăm gia đình cựu TNXP Nguyễn Thị Nhung, tổ 17, thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn). Bà Nhung kể: Trước đây tôi ở thôn Bản Ruồng, thôn có 3 người đi TNXP, cùng vào Đại đội 915. Sau trận bom đêm Noel năm 1972, chị Mã Thị Nghi, anh Nguyễn Bỉnh Dung hy sinh, tôi đội đất đá chui lên, sống trở về. Bố mẹ tôi òa khóc, bảo: Ở nhà đã nhận được Giấy báo tử, bà con đến chia buồn rất đông.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ TNXP, bà Nhung còn tiếp tục tham gia công tác đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Ông Tô Công Khanh, chồng bà Nhung kể: Tôi người Đại Sảo, lấy bà Nhung làm vợ, dắt nhau ra đây ở gần hai chục năm nay. Ngày mới ra, khu đất này là triền đồi dốc, vợ chồng phải cuốc đất đổ đi để lấy mặt bằng dựng tạm nhà ở. Chia sẻ với cảnh nghèo của chúng tôi, từ năm 2012, Quỹ Tài trợ xây dựng Đền thờ liệt sĩ TNXP Gia Sàng đã hỗ trợ cho gia đình tôi 30 triệu đồng, bà con lân cận giúp đỡ thêm, vợ chồng tôi đã xây dựng được ngôi nhà ở chắc chắn.

Một mái nhà, một lời sẻ chia của tình người cũng làm vơi nguôi đi nỗi đau của chiến tranh. Tôi buột miệng thầm nói với chính mình: Chiến tranh đã lùi về quá vãng, nhưng nỗi đau còn đây, và chỉ có tình người bao dung, sẻ chia mới là phương thuốc thần diệu xoa dịu được nỗi đau của thời hậu chiến.