Sau từng loạt bom đinh tai, nhức óc, cói báo yên rú lên, tôi bò ra khỏi hầm trú ẩn, thấy đồ đạc trong phòng làm việc đổ ngổn ngang, mái nhà ở, nhà kho bị thổi bay. Trước mắt tôi là những đống đổ nát, tan hoang, mùi khét lẹt của khói bom và mùi máu tanh xộc vào mũi… Tôi cấu mạnh vào mặt mình, thấy đau, mới biết là còn sống.
Ông Trần Văn Phình, 70 tuổi, tổ dân phố 13, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) nhớ lại. Đó là một trận bom kinh hoàng, ám ảnh ông suốt cuộc đời. Và cũng suốt 46 năm nay, nhiều đêm ông giật mình, tỉnh giấc vì tiếng bom, tiếng nhà đổ sập và vì tiếng đồng đội thét gào. Ông lau mồ hôi lấm tấm trên trán, thở phào vì đó chỉ là một cơn ác mộng.
Ông sinh ra ở thôn Phủ Thông, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). 18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau hơn 5 năm phục vụ trong Quân đội, hoàn thành nhiệm vụ của một quân nhân, năm 1972, ông chuyển ngành sang Ty Lương thực Bắc Thái. Trong điều kiện Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều tỉnh miền Bắc bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, Công ty sơ tán về xã Sơn Cẩm (Phú Lương). Khi đó ông được tăng cường về làm thủ kho thuộc Trạm trung chuyển của Ty. Trạm trung chuyển có 7 người, vừa nhận hàng, vừa giao hàng đồng thời kiêm công tác bảo vệ an toàn kho.
Khu vực Ga Lưu Xá đã có những ngày vui như trẩy hội. Các lực lượng bộ đội, dân quân, TNXP vừa hò hát, vừa làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hoá. Các thành viên Trạm trung chuyển làm việc không quản giờ giấc, luôn trong tư thế sẵn sàng nhập hoặc xuất hàng theo mệnh lệnh của cấp trên. Nhưng có một ngày làm bao nụ cười, câu hát vụt tắt trên môi bao con người có tuổi đời còn rất trẻ - ngày 24-12-1972. Ông Phình kể: Đó là một ngày đẹp trời nhưng bận rộn. Trong kho và khắp sân ga đều ngồn ngộn hàng hoá. Từ sáng sớm, từng đoàn xe ô tô vận tải xắp thành hai hàng từ ngã ba Cầu Loàng vào đến cửa kho. Theo lệnh của Ban Điều hỏa tỉnh, đây là ngày đầu tiên ra quân giải tỏa hàng tại Ga Lưu Xá.
Các lực lượng tham gia xếp dỡ hàng được huy động tối đa, gồm: Đại đội 915 (TNXP Đội 91 Bắc Thái); lực lượng xếp dỡ của T.P Thái Nguyên; lực lượng xếp dỡ của nhà ga Lưu Xá và Quán Triều. Tất cả mọi người đã làm việc từ sớm đến chiều muộn. Họ khênh, vác từng bao hàng nặng từ 50 kg đến đến 100 kg xếp ngay ngắn lên thùng xe ô tô để chuyển đến nơi tập kết an toàn. Lúc trời tối không nhìn rõ mặt người, các thủ kho và lực lượng bốc dỡ hàng mới chịu nghỉ ngơi, chuẩn bị ăn cơm tối. Ông Phình tiếp tục câu chuyện: Vửa nghỉ chưa ráo mồ hôi, thì ngay cửa kho xuất hiện 2 nữ TNXP tới xin ngô về rang ăn đợi cơm đơn vị. Tôi cảm mến, bảo các chị cứ lấy gạo về nấu ăn, có sức phục vụ tiền tuyến. Một chị nói: Không được, chúng em chỉ xin ngô thôi, còn gạo để anh em bộ đội ở chiến trường miền Nam ăn lấy sức đánh giặc.
Nhưng chỉ ít phút sau đó, còi báo động hú lên, tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ ở sân ga nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Rồi tiếng bom nổ, hầm trú ẩn rung lắc bần bật, đất đá bắn rào rào. Hầm trú ẩn của tôi còn có thủ kho Ma Đình Diện. Chúng tôi nắm tay nhau, bảo cùng sống, hoặc cùng chết, vì nếu ra khỏi hầm sẽ bị mảnh bom phạt mất mạng. Tôi không nhớ mình đã trú ẩn dưới căn hầm ấy bao nhiều thời gian. Chỉ biết lúc trận địa ngừng tiếng bom, còi báo yên ủ mấy hồi thì tôi cùng anh Diện bò ra khỏi hầm. Tôi bàng hoàng vì trước mắt là một đống đổ nát, tan hoang, nhiều đồng chí bị bom hất văng từng mảnh trên đường đi, trên bụi tre, nhiều đồng chị khác bị vùi dưới đống bê tông hàng trăm tấn. Tôi chạy đến khu vực hầm trú ẩn của Trạm trung chuyển, thấy chết điếng vì hầm bị trúng bom, hai thủ kho là Đỗ Xuân Sinh và Lê Văn Hòa hy sinh tại chỗ. Tôi tiếp tục bò qua từng đống bê tông, gạch vỡ sang khu vực hầm trú ẩn của cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915. Lúc ấy lực lượng xung kích Gang thép, lực lượng TNXP Đội 91 đã có mặt để Đào bới, tìm kiếm các anh, chị.
Hai đồng chí thủ kho Ty Lương thực Bắc Thái; 60 TNXP Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá. Và tất cả các anh, chị -những cảm tử quân đã hóa thân vào hùng thiêng sông núi. Để hôm nay nơi các anh, chị nằm xuống đã trở thành một địa danh huyền thoại, địa chỉ đỏ cho cháu con trên mọi miền Tổ quốc đời đời tìm về bày tỏ lòng thành kính. Bởi trên đất thép Thái Nguyên, các anh, chị đã viết nên bản hùng ca bất tử.
Với riêng ông Phình, một trong số ít người trực tiếp làm nhiệm vụ ở ga Lưu Xá hôm đó còn sống sót, sẽ không bao giờ nguôi quên một ký ức bi thương mà húng tráng, đau đớn mà đầy ắp tự hào. Ông tiếp tục gắn bó công tác ở ngành Lương thực đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Gần 30 năm công tác trong ngành lương thực, ông được Liên đoàn Lao động Khu Tự trị Việt Bắc, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen về thành tích bảo vệ kho hàng.
Về địa phương, ông tiếp tục tham gia làm tổ phó, rồi Tổ trưởng tổ dân phố, Phó Ban bảo vệ an ninh phường Trưng Vương. Năm 2016, vì lý do sức khỏe ông nghỉ hẳn ở nhà để chăm nom các cháu nội, ngoại. Ông tự hào vì được sống, được cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc trong những năm tháng đạn lửa khốc liệt nhất. Và ông đã sống, làm việc hết mình để không hổ thẹn với anh linh đồng đội.