Hơn 16 năm làm báo, chưa chuyến công tác nào để lại trong tôi nhiều cảm xúc như khi đến với Trường Sa. Ở đây, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ; được nghe những câu chuyện mà các anh chia sẻ… chúng tôi càng thấm thía hơn về sự vất vả nơi hải đảo xa xôi. Không ít lần mắt chúng tôi nhòa đi vì xúc động. Và từ sâu trong tâm khảm, chúng tôi càng thêm tin, thêm yêu và tự hào hơn về những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam với nghị lực, tinh thần, ý chí sắt thép, luôn một lòng vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trường Sa - cái tên đã trở nên quá đỗi thân quen đối với mỗi người dân đất Việt. Vậy nhưng, không phải ai cũng có cơ hội được đến với nơi này dù chỉ 1 lần, bởi sự xa xôi, cách trở về khoảng cách địa lý. Có lẽ vì thế, tình người nơi đây dường như cao quý, thiêng liêng hơn bất cứ nơi nào. Giữa các anh, không chỉ có tình đồng chí, đồng đội, mà còn có cả tình anh em một nhà, coi nhau chẳng khác nào ruột thịt. Và trong mỗi người, dù bất luận hoàn cảnh nào, cũng đều đặt Tổ quốc lên trên quyền lợi của bản thân.
Trên đảo Phan Vinh A, tình cờ tôi được nói chuyện với Thượng tá Đăng Văn Tám, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng của đảo. Sau rất nhiều câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội, tôi được anh kể về một kỷ niệm mà suốt cuộc đời anh mãi không quên. Hôm đó là ngày 25/12/1998, anh lên tàu để ra đảo Phan Vinh công tác. Do trước đó đã có 1 năm xa nhà nên trong lúc chờ tàu khởi hành, anh đã gọi điện về nhà. Khi đó, cả gia đình anh đang rối bời chuyện ra đi đột ngột của mẹ anh, nhưng anh lại không hề hay biết, vì cả nhà giấu anh, muốn để anh yên tâm lên đường nhận nhiệm vụ. Khi nghe điện thoại của con trai, bố anh đã hết sức kìm nén, chỉ hỏi anh một câu: Con đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ? Con đã sẵn sàng - giọng anh dứt khoát. Vậy thì bố yên tâm rồi. Con hãy bình tĩnh nghe bố nói điều này: “Mẹ con vừa mất”. Anh như không tin nổi vào tai mình, chiếc điện thoại trôi tuột khỏi tay, chân anh khụy xuống, hai dòng nước mắt cứ thế rơi lã trã. Người bạn đứng bên cạnh không biết có chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết đỡ anh ngồi dậy. Anh bảo: Đó là giây phút kinh khủng nhất trong đời anh, nhưng với sự động viên của bố và lòng quyết tâm của người lính, anh nín lại nỗi đau để lên đường. Lần về phép đầu tiên và cả cho đến tận bây giờ, mỗi lần ra thắp hương mẹ, anh lại ghi lên mộ 4 chữ “Con xin lỗi mẹ”. Anh bảo: Đó là kỷ niệm buồn nhưng tôi chưa một lần cảm thấy ân hận về những gì mình đã chọn. So với lớp lớp cha anh đi trước, thì sự hy sinh, vất vả của những người lính hải quân bây giờ đã là gì và nỗi buồn đó cũng đã thấm vào đâu.
Thượng tá Đăng Văn Tám, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng của đảo Phan Vinh A vui mừng gặp được đồng hương ra thăm Đảo.
Một câu chuyện khác của chiến sĩ Lương Ngọc Thiện, sinh năm 1996, đóng quân tại đảo Đá Tây B tuy rất đỗi giản dị, đời thường nhưng cũng thật cảm động. Em kể: Tuần đầu ra đảo, ngày nào em cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Mấy đêm liền đều nằm mơ thấy mẹ. Em không nghĩ cuộc sống ở đảo lại khác nhiều ở nhà đến thế. May mà nhờ sự quan tâm, động viên của các chú, các anh nên sang tuần thứ 2, em đã không khóc nữa. Giờ thì sau hơn 4 tháng, em đã quen với cuộc sống ở đảo, không còn cảm giác nhớ nhà như trước. Thiện bảo: Chưa ở đâu em thấy tình cảm mọi người dành cho nhau lại chân thành như ở đảo. Mọi người thực sự coi nhau là người thân đúng nghĩa. Chính vì thế, em không thân ai hơn ai, vì ai em cũng yêu quý như nhau. Có lẽ, khi trở về đất liền, em sẽ rất nhớ đảo. Sự chân chất, mộc mạc của em, cùng ánh mắt nhìn không thể hiền lành hơn cũng đủ khiến con tim tôi như bị bóp nghẹn. Vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì sự phát triển của đất nước, vì các đối tượng nước ngoài ngày đêm nung nấu ý đồ xâm chiếm vùng biển quê hương, mà rất nhiều cán bộ, chiến sĩ như Thiện phải khóc thầm bao đêm nhớ mẹ, nhớ nhà. Nhưng cũng nhờ có những người như em mà chúng tôi, những người đang công tác tại đất liền mới có được sự yên tâm công tác.
Ở đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi được nghe chuyện về binh nhất Nguyễn Hùng Lĩnh, sinh năm 1992, quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Em không còn nữa mà đã hy sinh năm 2014 khi đang làm nhiệm vụ. Tấm bia và phần mộ của em đã nói lên nhiều điều và khiến nhiều người trong đoàn chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Em ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Và cũng đã hơn 5 năm, phần mộ của em vẫn chưa thể đưa về quê để gia đình tiện chăm sóc. Nhưng ở đây, em không cô đơn, vì em có đồng đội. Đại úy Nguyễn Thế Tân chia sẻ: Ngày rằm, mùng một hay mỗi khi đảo có cỗ, mọi người đều thắp hương trên phần mộ của em, phần em một suất như những cán bộ, chiến sĩ khác…. Còn với những ai có người thân qua đời, anh em trên đảo lại lập bàn thờ, thắp hương và vái vọng, rồi an ủi, động viên nhau…
Còn nhiều lắm những câu chuyện về người lính hải quân trên các đảo mà trong chuyến hải trình ra thăm Trường Sa chúng tôi được gặp, được nghe kể. Bên cạnh những câu chuyện vui có cả những câu chuyện buồn. Nhưng dù vui hay buồn thì ẩn chứa bên trong mỗi câu chuyện là tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo của người lính hải quân. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó và cũng vì thế mà mỗi người trong chúng ta, cần sống có trách nhiệm hơn để góp phần cùng bảo vệ, giữ gìn Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Cho đến giờ, hình ảnh những cánh tay vẫy chào như không muốn dứt cùng những lời hô vang “Trường Sa vì cả nước; cả nước vì Trường Sa; Trường Sa vì Tổ quốc; Tổ quốc vì Trường Sa; Tất cả vì Trường Sa thân yêu” mà trước khi đoàn chúng tôi rời bến tại đảo Trường Sa vẫn còn vang vọng trong tôi!