Trở lại Lân Thùng

08:14, 26/11/2019

Từ năm 2015 trở về trước, mỗi lần đến công tác tại khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai) là một lần tôi gặp cảnh tượng buồn: Khi thì gặp những đứa trẻ trong tấm áo mỏng manh dưới tiết trời lạnh giá; khi thì thấy những cô giáo bị đổ xe không thể tự mình gượng dậy; khi lại gặp những căn nhà xiêu vẹo… Đó là những ký ức của tôi về một Lân Thùng xa xưa, nhưng nay Lân Thùng đã khác.  

Dường như chú lái xe trẻ tuổi hiểu được tâm trạng của tôi khi đến với Lân Thùng lần này nên đã điều khiển chiếc xe bán tải chạy nhẹ nhàng trên con đường bê tông sạch đẹp từ xã Phương Giao đến Lân Thùng. Kính chắn gió được hạ xuống khiến tôi càng thấy rõ hơn những gì đang diễn ra trước mắt mình. Đường điện 3 pha, những ngôi nhà sàn lợp ngói, những nương ngô xanh mướt, rừng keo dài tít tắp, mía đang độ thu hoạch cứ thế chạy qua trước mắt tôi. Điểm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Xuất Tác là khu vực cuối cùng của con đường. Đến đây, xe dừng hẳn, hình ảnh mà tôi thấy là giờ học múa của cô và trò lớp mầm non tại sân Nhà văn hóa khu Lân Thùng do cô Hà Thị Lân, Phó hiệu trưởng cùng các cô giáo Trường Mầm non xã Phương Giao hướng dẫn. Đây là nhà văn hóa xóm được Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên xây tặng trong chương trình “Chung tay xây dựng nông thôn mới” năm 2015. 

Cô giáo Hà Thị Lân cho biết: Tên Lân Thùng có từ năm 1998, cư dân là đồng bào Mông ở các nơi về đây. Khi đó mọi thứ gần như bằng không, thứ có nhiều nhất là trẻ nhỏ và người già. Chính vì vậy việc dạy chữ không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà chúng tôi còn phải dạy cho cả người lớn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của lực lượng vũ trang địa phương, cuối năm 2015, UBND huyện Võ Nhai đã phối hợp cùng các đơn vị xây dựng tuyến đường vào khu Lân Thùng với tổng kinh phí 9 tỷ đồng... Tuyến đường có tổng chiều dài 6,2km, mặt đường rộng 3m được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp IV. Cùng với đó là hệ thống điện, trường, trạm cũng được huyện Võ Nhai quan tâm đầu tư. 

Thấy bộ đội đến bản, ông Ngô Văn Xinh, Phó trưởng xóm Đồng Dong vui vẻ bước lại trò truyện. ông bảo: Năm 2015, Bộ CHQS
tỉnh là đơn vị đầu tiên khởi công xây tặng Lân Thùng nhà văn hóa và chung tay cùng các cấp, ngành giúp đỡ Lân Thùng. Có nhà văn hóa, người dân Lân Thùng có nơi sinh hoạt cộng đồng, và từ đó chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được triển khai thường xuyên hơn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào được tổ chức đều hơn, trẻ em đến trường đông hơn. Từ việc làm của Bộ CHQS tỉnh, nhiều cấp, ngành cùng các nhà hảo tâm biết đến Lân Thùng nhiều hơn nên đồng bào Mông được giúp đỡ rất nhiều. Từ 100% hộ nghèo trước đây, nay Lân Thùng chỉ còn 42/96 hộ, khu Lân Thùng có 2 đảng viên trong số 22 đảng viên Chi bộ xóm Đồng Dong. 

Trung tá Bùi Thành Nam, Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Võ Nhai đi cùng chúng tôi cho biết thêm: Biết Lân Thùng là một trong những địa bàn khó khăn về mọi mặt nên đơn vị đã xin chủ trương của huyện cử cán bộ đến “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào. Những đồng chí được lựa chọn đều biết tiếng bản địa, phong tục tập quán của đồng bào, thậm chí có người còn là con em của Lân Thùng nên đã phát huy được công tác tuyên truyền, vận động giúp đỡ nhân dân tăng cường cảnh giác trước những luận điểm sai trái của các thế lực xấu; hướng dẫn bà con chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy đồng bào Mông ở Lân Thùng càng thêm tin vào Đảng, Quân đội để đoàn kết xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn xã Phương Giao. Quan tâm chăm lo đến đồng bào các dân tộc ít người không chỉ có nghĩa là cho và nhận. Điều căn bản nhất để đồng bào phát triển bền vững đó là định hướng đúng. Nói về điều này, ông Phạm Văn Thọ, Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện Võ Nhai cho biết thêm: Nơi đồng bào Mông sinh sống thường rất bình yên, đồng bào thật thà, trung thành với Đảng, cần cù, chịu khó nên chúng ta chỉ cần tin vào họ, chỉ cho họ cách làm kinh tế hiệu quả sẽ giúp đồng bào phát triển kinh tế và từ đó sẽ không còn kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.