Tại phiên họp thứ 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (21/5), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã đọc tờ trình về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam sửa đổi, tính pháp lý và sự cần thiết của Luật Biên phòng Việt Nam.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tình hình hiện nay đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói riêng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Do đó, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết.
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam có 7 chương 34 điều quy định chính sách, nguyên tắc, lực lượng nòng cốt, chuyên trách, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về biên phòng.
Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương như chính quyền địa phương, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảng vụ, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Kiểm ngư, Quản lý thị trường…tham gia vào xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này đang được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành nên dẫn đến những khó khăn, vướng mắc bất cập trong thi hành trên thực tế.
Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định có tính nguyên tắc về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới như mới khái quát trách nhiệm của Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xây dựng chiến lược và lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chính sách chung về xây dựng công trình biên giới, mốc quốc giới;
Bố trí dân cư ở khu vực biên giới; quy định chung về xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, “Ngày biên phòng toàn dân” và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Một số nội dung quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa được luật hóa, mới quy định có tính nguyên tắc về chủ trương, nguyên tắc, nội dung.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng mới điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP (vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của BĐBP và chế độ, chính sách đối với BĐBP với tư cách là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia), chưa đề cập đến các chủ thể khác như chính quyền địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, lực lượng vũ trang nhân dân, Cảng vụ, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Kiểm ngư, Quản lý thị trường… với tư cách là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Bộ đội Biên phòng phải là lực lượng nòng cốt, chuyên trách nơi biên giới
Cho ý kiến vào báo cáo thẩm tra của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành;
Khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐBP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam như đã nêu, nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐBP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Tờ trình chưa làm rõ được sự cần thiết ban hành luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại Nghị quyết số 33-NQ/TW. Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể chế đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia; nhiều nội dung còn chồng chéo hoặc chưa thống nhất với các luật khác, trong đó có quy định về xây dựng biên giới quốc gia và khu vực biên giới.
Cũng có ý kiến cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, như: Khoản 2 Điều 9 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ là liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên cần quy định cụ thể ngay trong luật hoặc dẫn chiếu theo quy định của Luật An ninh quốc gia.
Quy định BĐBP có nhiệm vụ “phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật” tại khoản 3 Điều 15 là chưa phù hợp với Điều 67 Hiến pháp và khoản 1 Điều 26 Luật Quốc phòng, Điều 3 Luật Công an nhân dân. Quy định cán bộ, chiến sĩ BĐBP được quyền trưng dụng một số loại tài sản tại khoản 6 Điều 16 là chưa phù hợp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản…
Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi. Về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5), một số ý kiến cho rằng, theo khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật thì “Biên phòng” không phải là chủ thể quan hệ pháp luật, chỉ các lực lượng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mới có trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới.
Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của khái niệm “nhiệm vụ biên phòng” làm cơ sở xác định cơ quan chủ trì và bổ sung nội dung quy định việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều này.
Cũng có ý kiến cho rằng, để thực thi nhiệm vụ biên phòng và để thống nhất, tương xứng với quy định về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, cần quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tất cả các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng như Công an, Hải quan…
Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 15), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định BĐBP có nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật dễ gây hiểu lầm là kiểm soát toàn bộ con người, phương tiện, hàng hóa dẫn đến chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hải quan theo Luật hải quan năm 2014 và nhiều Điều ước quốc tế có liên quan, nên đề nghị quy định cụ thể về đối tượng kiểm soát.
Cũng có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các nhiệm vụ khác cho phù hợp với vị trí, chức năng của BĐBP tại Điều 14 dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát, chỉnh lý nội dung hai điều này để tránh chồng chéo, trùng lặp và bảo đảm tính khả thi; xác định nhiệm vụ chủ trì, phối hợp giữa BĐBP và Hải quan trong kiểm soát người và phương tiện qua cửa khẩu./.