Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế biển, nhiều năm qua Xí nghiệp Tàu đánh cá công ích (Hải đội 433) thuộc Hải đoàn 128 (Công ty TNHH Một thành viên 128), Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn không chỉ tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ, mà còn kết hợp khai thác hải sản, sản xuất và phát triển nước mắm truyền thống, một thương hiệu của người lính biển, sạch, an toàn, chất lượng.
Trên thế giới có nhiều loại rượu để làm cơ thể ấm hơn, như người Nga uống Vodka, người Ailen uống Whisky… và người Việt có một sản phẩm đặc biệt hơn: Nước mắm truyền thống. Sản phẩm được làm từ nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe. Do đặc thù thực hiện nhiệm vụ trên biển và có thể kéo dài, chỉ cần còn gạo, còn mắm là anh em vẫn có thể trụ biển, bám tàu nhiều tháng ròng... ngoài các loại thực phẩm thiết yếu khác, nước mắm Hải quân được những người lính biển đưa vào danh sách nhu yếu phẩm dự trữ phục vụ chiến đấu.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, cuối năm 1971, Tổ sản xuất, chế biến nước mắm thuộc Đoàn 128 Hải quân gồm 8 nhân viên, tiền thân của Xưởng chế biến và kinh doanh thủy, hải sản thuộc Xí nghiệp Tàu đánh cá công ích ngày nay được ra đời.
Qua nửa thế kỷ phát triển và giữ vững thương hiệu của người lính biển, nước mắm Hải quân đã rất thân thiện với môi trường và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Với cách làm truyền thống cùng với quy trình sản xuất khép kín từ đánh bắt cá đến chế biến ra thành phẩm luôn đạt chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng (HACCP). Do đó nước mắm có hàm lượng đạm tự nhiên cao, màu sắc hương vị hấp dẫn và được sử dụng để chấm, ướp, nêm, nấu cho các bữa ăn ngon của gia đình.
Thiếu tá Hoàng Đình Học, Giám đốc Xưởng Chế biến và kinh doanh thủy, hải sản cho biết: Nguyên liệu để làm nước mắm một phần do xí nghiệp tự đánh bắt, một phần là nhập thêm của ngư dân tại địa phương, đó là cá biển, thường là cá cơm, cá nục …. sau đó rửa sạch, ủ với tỷ lệ 3:1 (ba cá một muối) với công thức ủ chượp trong thùng gỗ thời gian từ 9 đến 12 tháng được phơi dưới nắng, không dùng bất cứ một loại chất xúc tác nào. Khi mọi thứ đã chín kỹ thì rút nước ra thành mắm có độ đạm oN ≥ 30 độ. Với hương vị thơm ngon tự nhiên, qua chọn lọc và chế biến mang lại mùi vị riêng biệt, sản phẩm còn bổ sung thêm Vitamin không thay thế, đạm, i-ốt... mang lại hiệu quả dinh dưỡng cao.
Đất nước và con người Việt Nam đã nhiều lần được thiên nhiên và lòng người thử thách, cái gì thuận theo tự nhiên thì sẽ trường tồn mãi mãi. Cũng như giọt mắm, đã đi cùng với sự phát triển và tồn sinh của dân tộc. Người trong Nam, ngoài Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, hít thở chung một bầu không khí, khi chấm chung một bát, ngồi chung một mâm, đều gọi bằng một từ thân thương là mắm.
Đóng gói sản phẩm.
Xa hơn, đằng sau những giọt nước mắm của các làng nghề làm mắm truyền thống chạy dài theo bờ biển trên dải đất hình chữ S, là hàng triệu ngư dân đang ngày đêm bám biển. Giọt mắm không chỉ đơn thuần là một món nước chấm, là thức ăn. Mà giọt mắm là hồn cốt, là sức mạnh của cả một truyền thống lịch sử của dân tộc giữa biển đã gửi gắm, hàm chứa trong đó. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, chính là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đồng thời bảo vệ giọt mắm yêu thương đi suốt theo chiều dài của dân tộc.
Với phương châm “luôn luôn giữ vững niềm tin về thương hiệu sản phẩm” và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong lòng nhân dân, cán bộ, nhân viên, người lao động Xí nghiệp Tàu đánh cá công ích luôn đem đến các sản phẩm sạch, mang thương hiệu “Nước mắm Hải quân - Thương hiệu Người lính biển” vì sức khỏe cộng đồng, nhiều năm qua đã khẳng định được uy tín, chất lượng trong và ngoài Quân đội. Hiện nay, nước mắm Hải quân với chất lượng, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, phù hợp để sử dụng ra thị trường cũng như làm quà trong các dịp lễ, tết, nhất là dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Trải qua 50 năm phát triển và giữ vững thương hiệu nước mắm truyền thống của người lính biển, Xưởng chế biến và kinh doanh thủy hải sản (thuộc Hải đội 433, Hải đoàn 128) đã sản xuất hơn 20 triệu triệu lít nước mắm. Trong giai đoạn khó khăn của đất nước từ năm 1971-1989, đơn vị đã chế biến được hơn 8 triệu lít nước mắm để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và cung cấp ra thị trường bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực cho người tiêu dùng. Nhiều năm liền đơn vị được tặng thưởng Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Tập thể Lao động tiên tiến và Bằng khen, Giấy khen. |