Tròn 60 năm kể từ thời điểm quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam (10/8/1961). Không thể đo đếm hết những đau thương, mất mát cả về vật chất và tinh thần mà người dân Việt Nam phải gánh chịu bởi sự tàn khốc của loại chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng.
Trên khắp đất nước Việt Nam, lượng chất độc tồn lưu sau chiến tranh còn rất lớn. Việc xử lý nó không chỉ cần thời gian mà còn đòi hỏi sự đầu tư lớn về vật chất, nhân lực.
Trong cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra (tính từ năm 1961 đến 1971), theo số liệu được công bố tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội (tháng 8-2016), quân đội Mỹ đã sử dụng gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin-một chất độc hại nhất trong các chất độc mà con người biết đến.
Bên cạnh việc sử dụng các chất diệt cỏ, quân đội Mỹ còn sử dụng hơn 9.000 tấn chất độc CS để phun rải trên chiến trường miền Nam nước ta, gây nhiễm độc môi trường rải rác ở khắp các tỉnh, thành phố thuộc các Quân khu: 4, 5, 7, 9. Các hóa chất này đã phun rải xuống 26 thôn, bản trên diện tích 3,06 triệu héc-ta (bằng 1/4 tổng diện tích đất đai miền Nam Việt Nam); có 86% diện tích bị phun rải 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần, nó đã làm cho hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin trên phạm vi cả nước.
Riêng tại các sân bay quân sự như: Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát, ASo, nồng độ dioxin còn cao và rất cao, vì các sân bay này trước đây có các kho chứa, tẩy rửa máy bay sau các phi vụ phun rải chất diệt cỏ. Tại các sân bay này, kết quả khảo sát cho thấy, hàm lượng dioxin tồn lưu trong đất cao gấp hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép, thấm đến độ sâu hơn 1m, diện tích rất rộng. Trên khắp các khu vực như: Quân khu 5, Quân khu 9, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế... phát hiện số lượng lớn chất độc CS và các phương tiện, đạn dược chứa chất độc CS của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh.
Trong nhiều hội thảo quốc tế năm 1993 về chất độc hóa học (CĐHH) diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người được tổ chức tại Hà Nội, nhiều nhà khoa học khẳng định: “Chất độc da cam/dioxin của quân đội Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ, hủy diệt sức khỏe con người, gây nên nhiều biến đổi gene di truyền đã đến thế hệ thứ ba, gây tai biến sinh sản, dị tật của nhiều đứa con sinh ra, gây các bệnh ung thư...”.
Nhiều công trình nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất hóa học dùng trong chiến tranh Việt Nam (Ủy ban 10-80), Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (Ban chỉ đạo 33), Binh chủng Hóa học, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Học viện Quân y và nhiều nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản, Canada... đã chứng minh hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam.
Một bằng chứng không thể phủ nhận là hàng vạn cựu quân nhân Việt Nam cùng nhiều thế hệ con cháu của họ đã phải gánh chịu sự ảnh hưởng nặng nề của nhiều loại CĐHH, trong đó phần lớn là chất độc da cam/dioxin. Di chứng của nó chắc chắn sẽ còn rất lâu mới khắc phục được. Nó không những vượt khỏi phạm vi vấn đề xã hội thông thường mà đã trở thành vấn đề nhân đạo mang tính quốc tế.
Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm đến công tác điều tra, khảo sát, thu gom, xử lý CĐHH tồn lưu sau chiến tranh. Binh chủng Hóa học được giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt thực hiện điều tra, khảo sát, thu gom và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh-đây là một nhiệm vụ “chiến đấu thời bình” của bộ đội hóa học. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Binh chủng Hóa học đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về tình hình nhiễm độc và kế hoạch nghiên cứu, khắc phục hậu quả; chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài quân đội thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc CS và dioxin.
Từ năm 1996 đến nay, Binh chủng Hóa học đã thực hiện hơn 20 dự án, nhiệm vụ điều tra, thu gom, xử lý CĐHH tồn lưu sau chiến tranh; đã điều tra, xác định các vị trí còn tồn lưu chất độc ở 293 huyện, thị xã thuộc 34 tỉnh, thành phố thuộc các Quân khu: 4, 5, 7, 9 và các kho thuộc Tổng cục Kỹ thuật; thu gom, xử lý gần 400 tấn chất độc CS, khoảng 200 tấn đạn dược chứa chất độc CS và hàng trăm mét khối đất nhiễm chất độc CS; xử lý khoảng 150.000m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa thuộc các dự án XĐ-1, XĐ-2 bằng phương pháp chôn lấp cô lập; tư vấn thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán xử lý, chôn lấp cô lập 7.500m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Phù Cát; giám sát công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng...
Kết quả này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc đánh giá tổng thể tình hình ô nhiễm CĐHH trên các địa bàn; cung cấp số liệu điều tra, khảo sát có độ tin cậy, làm cơ sở xây dựng dự án xử lý khu vực bị nhiễm chất độc.
Song song với việc xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, chúng ta đã có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, tham gia vào việc khắc phục hậu quả dioxin cũng như các hoạt động hỗ trợ khác.
Dù vậy, công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần so với hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra. Khối lượng CĐHH mà Mỹ rải xuống Việt Nam là rất lớn nên quá trình điều tra, khảo sát, thu gom, xử lý rất khó khăn và tốn kém. Việc xử lý triệt để các khu vực nhiễm chất độc da cam/dioxin và kiểm soát, giảm thiểu nguồn gốc phát sinh dioxin là một nhiệm vụ cấp thiết, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó bộ đội hóa học giữ vai trò làm nòng cốt. Chúng ta cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
Làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu sau chiến tranh. Trong đó, tập trung vào các chỉ thị, nghị quyết, quyết định như: Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”; Chỉ thị số 05/CT-BQP ngày 3/2/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình khắc phục, xử lý CĐHH/dioxin trong quân đội”... Làm cho mọi cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu sau chiến tranh đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tập trung đầu tư xây dựng lực lượng, trang thiết bị công nghệ và các nguồn lực khác nhằm nâng cao khả năng xử lý CĐHH tồn lưu sau chiến tranh, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là vấn đề có tính chất quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu trong thời gian tới.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, làm chủ công nghệ xử lý CĐHH chứa dioxin. Xử lý dioxin là vấn đề rất phức tạp, thế giới đã có nhiều công nghệ xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs), nhưng chưa có công nghệ xử lý dioxin triệt để và cũng chưa có nơi nào có những khu vực ô nhiễm dioxin với tính chất hết sức phức tạp như ở Việt Nam: Hàm lượng dioxin tồn lưu cao, diện tích đất và trầm tích bị ô nhiễm rất lớn, phân bố không theo quy luật.
Do đó, việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý dioxin rất khó khăn, phức tạp. Để xử lý triệt để chất độc da cam/dioxin, nhất là tại các “điểm nóng”, cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn công nghệ khả thi để vừa bảo đảm xử lý triệt để, vừa tiết kiệm được chi phí, không để môi trường không khí, đất, nước bị ô nhiễm thứ cấp.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong điều tra, đánh giá, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm ô nhiễm. Với vai trò làm nòng cốt, Binh chủng Hóa học tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng và địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất độc da cam/dioxin. Chúng ta cần tranh thủ các nguồn lực tài chính và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước có trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhằm lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp để áp dụng xử lý các “điểm nóng” ô nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.