Những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, quá trình phát triển, Quân đội ngày càng vững mạnh về chính trị, luôn khẳng định là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng vào đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng, trước yêu cầu của tình hình mới, nhất là trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và điều kiện xã hội hiện đại, một số cán bộ, đảng viên rơi vào suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống... gây ảnh hưởng đến xã hội và uy tín của Quân đội.
Mặt khác, sự phân hóa xã hội, giai cấp trong những năm qua và sắp tới có thể diễn biến phức tạp hơn, gây khó khăn đối với việc tiến hành công tác tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho các quân nhân.
Đặc biệt, quân nhân xuất thân từ các thành phần xã hội khác nhau không chỉ chịu tác động về mặt tư tưởng mà còn chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố tâm lý xã hội; bị lối sống thực dụng, lai căng ngoài xã hội chi phối tiêu cực. Trong khi các thế lực thù địch tiếp tục tung ra nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm xuyên tạc, công kích, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng nói chung; bôi nhọ, hạ bệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói riêng... Chúng cố tình tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, gây nhiễu loạn thông tin, khiến bộ đội nảy sinh nhận thức phiến diện, lệch lạc; làm mất phương hướng mục tiêu, lý tưởng của cán bộ, chiến sĩ.
Bởi vậy, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là đòi hỏi cấp thiết hơn lúc nào hết, là nền tảng để xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương và Đảng bộ Quân đội về xây dựng Quân đội trong điều kiện mới.
Bàn về vấn đề này, đến nay đã có nhiều bài viết, phát biểu luận giải khá sâu sắc, toàn diện. Ở đây, chỉ xin nêu một vài ý kiến nhỏ để cùng tham khảo:
Trước hết, việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho mỗi quân nhân cần phải thực hiện một cách chủ động, nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự. Như đã biết, khi bắt đầu bước vào môi trường Quân đội, các thanh niên đều được học truyền thống của đơn vị nơi nhập ngũ, qua đó giúp họ xác định mục tiêu phấn đấu và những việc cần làm để xứng đáng với các thế hệ đi trước. Với những thanh niên “chân ướt chân ráo” bước vào quân ngũ, việc gấp chăn màn, thực hiện chế độ trong ngày, trong tuần... đôi khi cũng là công việc hết sức khó khăn.
Thế nhưng, nhờ có tiểu đội trưởng và chỉ huy đơn vị rèn giũa, uốn nắn từng động tác, những công việc ấy dần trở thành thói quen và đó cũng chính là cách hun đúc nên bản lĩnh quân nhân trong giai đoạn ban đầu tiếp cận với môi trường quân ngũ. Nói cách khác, muốn có bản lĩnh chính trị vững, trước hết phải có ý thức kỷ luật và nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với bản thân, với tổ chức, rồi mới giáo dục bộ đội các bài học chính trị cơ bản, cần thiết. Chính việc hướng dẫn bộ đội làm theo, giúp chiến sĩ hiểu được làm như vậy để giải quyết vấn đề gì, từ đó giúp nâng dần động cơ thành bản lĩnh.
Vấn đề tiếp theo là cần khéo kết hợp giữa học chính trị với huấn luyện, trang bị kỹ thuật, chiến thuật một cách nhuần nhuyễn, cũng chính là việc từng bước xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội. Bởi lẽ, kiến thức kỹ năng, kỹ xảo là điều kiện cần để quân nhân hình thành thái độ, tâm trạng thực hiện nhiệm vụ. Có kiến thức vững, kỹ năng giỏi thì khi đối mặt với những tình huống khó khăn, nguy hiểm, bộ đội sẽ luôn giữ được tâm thế vững vàng và sẵn sàng cao nhất.
Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện Quân đội tinh giản biên chế, các cấp ủy, chỉ huy cần coi trọng giáo dục từ trên xuống dưới về quyết tâm của Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương này; cần giải thích rõ với bộ đội lý do tại sao phải tinh giản biên chế và đưa ra những cơ sở khoa học để bộ đội hiểu cặn kẽ. Một khi có nhận thức đúng, tất yếu sẽ có hành động đúng.
Đặc biệt, sự nêu gương của đội ngũ cán bộ chính là một cách trao truyền bản lĩnh chính trị cho cấp dưới và bộ đội, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người cũng răn dạy đội ngũ cán bộ Quân đội rất kỹ: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.
Theo đó, cán bộ ở tất cả các cấp cần phải hiểu đúng và làm đúng như lời Bác dặn; phải biết tự đấu tranh với chính mình, dám hy sinh lợi ích bản thân để nêu gương cho cấp dưới và bộ đội. Một khi cán bộ chiến thắng được chính mình thì mới tạo được sức mạnh cảm hóa mọi người học theo, làm theo. Đó cũng là một cách bồi đắp, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cấp dưới và bộ đội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin