Ngày 18-2-1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch Thượng Lào (Xuân-Hè 1953), Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong, nay là Sư đoàn Bộ binh 308, Quân đoàn 12) được lệnh quay về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ thực tiễn chiến đấu, bám trụ, kiên cường tiêu diệt địch và vận dụng nghệ thuật quân sự sáng tạo, Đại đoàn 308 đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Cán bộ Đại đoàn 308 giải thích chính sách cho hàng binh ở Bản Kéo vừa ra hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu |
Trong đợt 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Độc Lập. Nắm vững phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và chủ trương xây dựng trận địa tiến công và bao vây, tiêu diệt từng cứ điểm, từng cụm cứ điểm của địch, 17 giờ ngày 14-3-1954, Đại đoàn nổ súng tiến công. Đến ngày 17-3, đơn vị đã làm chủ cứ điểm Độc Lập.
Tuyến ngoại vi của địch ở phía Đông Bắc và Tây Bắc bị phá toang. Quân Pháp đóng ở phân khu trung tâm lâm vào tình thế khó khăn, sườn phía Bắc bị hở, tinh thần binh lính hoang mang, chúng phải điều thêm 3 tiểu đoàn cơ động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.
Bước vào đợt 2, nhiệm vụ của Đại đoàn là đánh chiếm các điểm cao phía Đông của phân khu trung tâm, nhanh chóng thắt chặt vòng vây bằng hệ thống giao thông hào, chiến hào, khống chế đánh chiếm sân bay chính, hạn chế và triệt hẳn đường tiếp viện của địch, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đại đoàn 308 đảm nhiệm toàn bộ mặt trận phía Tây Mường Thanh, thu hút sự chú ý của địch. Tuy không đánh chiếm được tất cả các mục tiêu đề ra nhưng đã gây tác động lớn đến tinh thần của địch và phá vỡ hệ thống phòng thủ của chúng.
Đại đoàn cũng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ huy tác chiến. Đợt 3 của chiến dịch, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến công địch ở khu vực phía Tây. Tất cả những trận đánh này nhằm "bóc" hết cả hai mạng sườn địch, khiến chúng phải "phơi bày ruột gan" ra, tất cả phải hoàn thành trong đêm 6-5, để hôm sau toàn bộ mặt trận chuyển sang tổng công kích, kết thúc nhiệm vụ lịch sử của chiến dịch này.
Từ đêm 1 đến đêm 6-5, các đơn vị của Đại đoàn hoàn thành việc "đánh bóc sườn" phía Tây. Trận địa vây lấn của Đại đoàn chỉ còn cách sở chỉ huy của tướng De Castries khoảng 400m. Trên tấm bản đồ căng ở vách hầm, đồng chí Vũ Yên, Tham mưu trưởng Đại đoàn, căn cứ vào quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch đã vạch 3 mũi tên đỏ thể hiện 3 mũi tham gia "tổng công kích" của Đại đoàn 308 nhằm vào khu trung tâm Mường Thanh: Mũi thứ nhất từ cứ điểm 311B, mũi thứ hai từ cứ điểm 310, mũi thứ ba từ Nà Noọng đánh sang. Các bàn đạp tấn công này đã có đầy đủ hầm hào để bố trí các loại hỏa lực, kể cả pháo 75mm, chỉ cách tuyến phòng ngự ngoài cùng của trung tâm Mường Thanh hơn 200m.
Trưa ngày 7-5, quân ta diệt tiếp các vị trí 507, 508 và 509 ở bên bờ sông Nậm Rốm, địch đối phó yếu ớt. Nắm chắc thời cơ, đúng 15 giờ ngày 7-5-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích. Từ phía Tây, Đại đoàn 308 đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, cùng các đơn vị bạn ở phía Đông tiêu diệt những vị trí cuối cùng của giặc. Mặc dù địch còn hơn 10.000 quân nhưng tinh thần đã hoàn toàn tan rã nên quân ta đánh đến đâu địch đầu hàng đến đó. Đến 17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Đại đoàn 308 cùng với các đơn vị đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954. Ngày 19-9-1954, tại đền thờ các vua Hùng, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 đã góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng tại nơi đây, Người đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ đơn vị: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Qua Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 đã trưởng thành thêm một bước quan trọng và rút ra nhiều bài học sâu sắc, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ huy tác chiến; công tác xây dựng trận địa tiến công và bao vây, đánh địch phản kích, cơ động tiến công địch các hướng; xây dựng công sự trận địa bí mật, vững chắc; phát huy hiệu quả tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế; các hình thức chiến thuật sở trường như vận động tiến công kết hợp chốt, nghệ thuật đánh công kiên, vây lấn gây bất ngờ, hoang mang cho địch.
Đó còn là nghệ thuật quan sát, nhận định, đánh giá, phân tích tình hình địch sát với yêu cầu của từng trận đánh; khả năng hiệp đồng quân, binh chủng và sự quyết đoán của cấp ủy, người chỉ huy trong việc đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời mang lại thắng lợi cho đơn vị trong mỗi trận đánh, đồng thời hạn chế thấp nhất tổn thất, thương vong của bộ đội. Đây là tài sản tinh thần vô giá, bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin