Giang Tiên (Phú Lương) tự hào là nơi kỹ sư Trần Đại Nghĩa nghiên cứu, chế tạo thành công đạn Bazooka, loại đạn tiêu diệt xe tăng, tàu chiến địch được mệnh danh “vua chiến trường”. Ngay khi ra đời, đạn Bazooka đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với thực dân Pháp xâm lược.
Hiện, chữ trên bia di tích đã bị mờ, khó đọc, cần được đầu tư sửa chữa. |
Tháng 12, nước ta có một ngày trọng đại: Ngày hội Quốc phòng toàn dân và Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một đội quân chân đất, áo vải đã từng bước trở lên hiện đại về mọi mặt. Giữa cờ hoa rực rỡ, chợt lòng người lắng lại, hoài nhớ về thời đất nước trường kỳ kháng chiến.
Một số vùng đất của các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương… tỉnh Thái Nguyên được nhiều cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội đặt đại bản doanh. Đặc biệt ở Giang Tiên, có một xưởng quân giới chuyên sản xuất vũ khí phục vụ mặt trận. Điểm nhấn là việc kỹ sư Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của ông đã cho ra đời súng, đạn Bazooka, làm thay đổi cục diện trên các mặt trận.
Trước khi súng, đạn Bazooka ra đời, những cảm tử quân Việt Nam ôm bom ba càng lao thân mình vào xe tăng, lô cốt địch. Hồi bấy giờ, Quân đội còn khó khăn, thiếu thốn về vũ khí chiến đấu, nên bom ba càng được coi là biểu tượng của ý chí quật cường, nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp xâm lược. Bom ba càng, loại vũ khí được đội cảm tử quân dùng để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, biểu tượng của tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Nhưng mỗi chiến công được lập nên là một mất mát, hy sinh lớn lao của những người đồng chí. Chính vì thế, sự ra đời của súng, đạn Bazooka đã giải quyết được nhiều khó khăn lớn của bộ đội ta trên các trận tuyến. Những người lính mặc áo trấn thủ, diệt xe tăng thiết giáp và lô cốt địch không còn phải làm lễ truy điệu trước lúc nhận nhiệm vụ.
Uy lực của súng, đạn Bazooka đã nhanh chóng làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân địch, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân dân ta trên các mặt trận. Nhưng nhiều người chưa biết đến “cha đẻ” của “vua chiến trường” trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến…
Cùng ngược dòng sử xanh, tháng 6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp với tư cách là khách mời danh dự của Chính phủ Pháp. Trong thời gian này, Người đã gặp gỡ nhân sĩ trí thức người Việt đang làm việc và học tập tại Pháp, trong đó có ông Phạm Quang Lễ, một trí thức say mê nghiên cứu về các loại vũ khí.
Được gặp và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Quang Lễ nhận thức sâu sắc hơn về tài đức của Người. Ông tự nguyện trở về Việt Nam để cống hiến cho đất nước những kiến thức, kinh nghiệm trong việc chế tạo vũ khí, với mong muốn đất nước sớm thanh bình, nhân dân bớt cảnh lầm than. Ông đã về phục vụ Tổ quốc trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.
Địa điểm xưởng quân giới Giang Tiên, một điểm đến lịch sử ý nghĩa. |
Sau hơn 4 tháng với nhiều đêm trắng, ông cùng các cộng sự của mình nghiên cứu, chế tạo, thực nghiệm thành công súng, đạn Bazooka. Sử sách còn chép: Ngày 3/3/1947, tại trận chiến đấu ở Chương Mỹ (tỉnh Hà Đông), súng đạn Bazooka vừa xuất xưởng được sử dụng đã bắn cháy hai xe tăng của quân Pháp, bẻ gẫy cuộc tấn công, khiến kẻ thù sửng sốt. Đến Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, súng đạn Bazooka đã bắn chìm tàu chiến Pháp trên sông Lô.
Đạn Bazooka ra đời đã trở thành một mốc son lịch sử của Ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Và điều làm thực dân Pháp bất ngờ là “cha đẻ” của súng, đạn Bazooka lại là một Việt kiều Pháp, được đào tạo bài bản và được chính phủ Pháp trả lương 1 tháng tương đương với 22 cây vàng. Nhưng ông đã từ bỏ tất cả những lợi ích riêng và một cuộc sống phồn hoa nơi đất khách. Ông mang theo những kiến thức, kinh nghiệm của mình trở về phụng sự Tổ quốc lòng không chút nề nan gian khổ.
Một thông tin quan trọng nữa về “cha đẻ” của “vua chiến trường” là ngay sau khi trở về nước nhà, ngày 5/12/1946, ông Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Trần Đại Nghĩa. Cũng vì thế rất ít người biết đến kỹ sư Phạm Quang Lễ. Mà nhắc đến súng, đạn Bazooka: “vua chiến trường”; hoặc nhiều loại vũ khí phục vụ chiến đấu khác của lực lượng vũ trang do ông nghiên cứu, chế tạo người ta đều nhắc đến tên Trần Đại Nghĩa. Tên “cúng cơm” của ông Trần Đại Nghĩa được giữ kín trong suốt gần 30 năm, tức là qua hết 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trở lại với Di tích lịch sử Địa điểm xưởng quân giới Giang Tiên, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đó là một nhà máy điện của thực dân Pháp phục vụ khai thác than ở mỏ Phấn Mễ. Năm 1947, nhà máy được sửa chữa thành xưởng quân giới chuyên sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang. Dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Trần Đại Nghĩa, xưởng quân giới Giang Tiên đã chế tạo thành công súng, đạn Bazooka, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta.
Năm tháng trôi mau, màu thời gian nghiệt ngã nhưng vẫn còn đây những dấu tích xưa ăm ắp niềm tự hào. Nhất là ở thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hầu hết các nhà máy đều sử dụng hệ thống công nghệ thông minh. Nhưng câu chuyện về người “Anh hùng trí tuệ” Trần Đại Nghĩa và đội ngũ những người thợ quân khí năm xưa luôn là niềm tự hào.
Bằng đe, búa, quạt lò quay tay cùng một số máy móc cơ bản là thủ công đã rèn nên một tinh thần sắt đá. Đó là súng, đạn Bazooka “vua chiến trường” đánh cháy xe tăng, nhấn chìm tàu chiến địch. Điều kỳ diệu ấy được Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện ở Giang Tiên, góp phần làm nên những chiến công hiển hách lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Ngày 15/12/2004, Địa điểm Xưởng Quân giới Giang Tiên được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện, Di tích còn nhiều dấu tích nguyên trạng, như: Móng, trụ bê tông cốt thép, bể nước… toàn bộ khu vực sản xuất vũ khí có diện tích khoảng 5.000m2 được giao cho địa phương trông nom, bảo vệ và phát huy giá trị.
Đạn Bazooka là loại đạn nổ lõm, dài 0,56m, nặng 1,7kg, có 220g thuốc nổ mạnh và 60g thuốc đẩy, khả năng xuyên thép 150mm. Súng dài 1,27m, nặng 11kg, có thể vác vai, cơ động dễ dàng, cự ly bắn hiệu quả từ 50-100m. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin