Bác sĩ Ngô Thị Minh Phương từ TP. Nha Trang gửi cho tôi một cuốn tư liệu khoảng 80 trang là những câu chuyện về cuộc đời hoạt động của cán bộ tiền khởi nghĩa, Ủy viên Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc Lê Thị Ngọc (Đàm Thị Kiều) do các con bà ghi lại vào năm 2010. Tôi kết hợp tư liệu này với chính sử giới thiệu về những năm tháng tiền khởi nghĩa của cách mạng Việt Nam ở Cao Bằng, cũng là nén tâm nhang tri ân tiền nhân…
Bà Lê Thị Ngọc trong chuyến công tác nước ngoài. |
Những đốm lửa nơi cội nguồn cách mạng
Sinh ra trong một gia đình dân tộc thiểu số tại xã Phan Thanh, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, tuổi ấu thơ của bà Lê Thị Ngọc gắn liền với núi, rừng, nương rẫy. Năm 1941, ở tuổi 15, bà được sống tại quê hương, là nơi cán bộ cốt cán làm căn cứ để xây dựng phong trào cách mạng. Địa chỉ “Lô cốt đỏ” ở quê bà chính là nơi làm việc của các yếu nhân cách mạng, như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
Bà đến với cách mạng tự nhiên, nhẹ nhàng do bà được cha mẹ cho học tiếng Kinh từ nhỏ… Trong cuốn tư liệu, bà kể bằng ngôn từ mộc mạc nhiều cảm xúc, các con cháu ghi lại như những lát cắt, mảnh ghép ký ức của bà. Có thể gom lại mấy phần: Núi rừng phên giậu Cao Bằng, quê hương của đồng bào Tày, Nùng; Những đốm lửa đầu tiên, những đồng chí trung kiên; Niềm vui khi Quân đội nhân dân ra đời; Trong đoàn quân Nam tiến về xuôi, những năm tháng công tác kháng chiến và hòa bình xây dựng đất nước…
Đi theo cách mạng, không ngại gian khổ, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng là nội dung xuyên suốt trong cuốn tư liệu của gia đình bà Ngọc. Điều đó cũng lý giải vì sao người Cao Bằng, đất Cao Bằng đã dũng cảm nhóm lên những đốm lửa cách mạng đầu tiên…
Cao Bằng đã là “phên giậu” vững chắc của cả nước từ bao đời. Chi bộ Nặm Lìn - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập ngày 1/4/1930, những người cộng sản Cao Bằng đã sớm nhận thức và thực hiện đường lối của Đảng về vai trò của lực lượng vũ trang, của đấu tranh giải phóng dân tộc bằng vũ trang, đó là phải “Tổ chức ra quân đội của công nông”.
Đoàn viên, thanh niên huyện Hòa An tìm hiểu về Khu di tích Nặm Lìn - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh. Ảnh: Minh Tuyền |
Tháng 3-1931, Chi bộ Nặm Lìn đã lựa chọn, cử 4 đồng chí đi học sửa chữa và chế tạo vũ khí tại Trung Quốc, sau đó thành lập binh công xưởng tại vùng núi Lam Sơn (Hồng Việt, Hoà An). Từ đó, nhóm lửa phong trào cách mạng Cao Bằng ngày càng phát triển mạnh. Do thực dân Pháp khủng bố, đàn áp và truy lùng bắt giam nhiều cán bộ cách mạng, từ cuối năm 1940, Đảng bộ Cao Bằng tổ chức đưa khoảng 200 (huyện Hòa An có 40) cán bộ, chiến sĩ sang Trung Quốc huấn luyện quân sự để làm nòng cốt sau này.
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Năm ấy, bà Ngọc mới 15 tuổi, nhà lại gần “Lô cốt đỏ” trên núi Lam Sơn thuộc xã Phan Thanh, giỏi tiếng Kinh nên được các lãnh đạo Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh cho tham gia Nhi đồng Cứu Quốc và làm liên lạc.
Trong cuốn hồi ký có ghi: Cả giai đoạn 1941 đến 1945, bà làm liên lạc, đưa đón khách, dạy chữ Quốc ngữ, chuyển tin bài cho Báo Việt Nam Độc Lập do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách. Đó cũng là những năm tháng cách mạng còn trong trứng nước, giặc Pháp và tay sai truy lùng gắt gao. Gian khổ, nguy hiểm nhưng bà đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Có một câu chuyện trong cuốn tư liệu được ghi thế này: Khoảng tháng 7/1944, giặc Pháp bao vây căn cứ của ta ở Lủng Ngoảng. Hôm đó rất đông cán bộ họp trên hang núi. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Bằng Giang và bà (Đội trưởng đội bảo vệ hội nghị) đều họp trên hang. Pháp bắn từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Rồi chúng dàn quân tiến sát hang, bà ra lệnh ném lựu đạn vào địch. Chúng hoảng loạn bỏ chạy. Cán bộ rút lui an toàn.
Một câu chuyện mất mát, thương đau khác: Tháng 10-1944, định tấn công căn cứ Lủng Ngoảng lần thứ 2. Chỉ điểm cho giặc có một kẻ phản bội tên Vân. Vân là một thành viên trong 40 người ta cử sang huấn luyện tại Trung Quốc, sau đó làm việc tại căn cứ nên khá am tường. Lúc này ở căn cứ, Đội du kích chỉ có 6 người do đồng chí Hồng Chính chỉ huy cùng các cán bộ cao cấp và cơ quan Báo Việt Nam Độc Lập.
Một đêm, tên Vân lẻn đâm chỉ huy Hồng Chính trọng thương rồi chạy lên Hòa An đầu hàng Pháp. Phía ta cũng nhanh chóng rời khỏi căn cứ “Lô cốt đỏ” ở Lủng Ngoảng, duy chỉ có cán bộ Thanh Hùng và Bình Long do không có thông tin nên vẫn trên đường tới căn cứ Lủng Ngoảng. Pháp cho một trung đoàn bao vây Lủng Ngoảng và bắt được hai đồng chí, chúng tra tấn dã man, các chiến sĩ kiên cường không khai, chúng hèn hạ chặt đầu Thanh Hùng và Bình Long (Thanh Hùng 35 tuổi, Bình Long mới 18 tuổi) và tiếp tục truy lùng cán bộ cách mạng…
Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng đã thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc Pháp và tay sai trên mảnh đất Cao Bằng kiên trung. Các cán bộ lãnh đạo thì nung nấu cho ra đời lực lượng vũ trang vì ai cũng hiểu: Không thể có thắng lợi nếu không có đấu tranh vũ trang…
Cũng trận ấy, giặc Pháp truy lùng rất ráo riết nhưng cơ quan Báo Việt Nam Độc Lập gồm 10 người đều chạy thoát. Duy đồng chí Văn Trình, vừa từ Trung Quốc về, ốm nặng nên sa vào tay giặc, chúng cũng chặt đầu, bêu đầu 3 đồng chí tại chợ Nước Hai, việc làm dã man trên không những không làm cán bộ ta run sợ mà còn dấy lên lòng căm phẫn lũ xâm lược dã man trong đồng bào miền biên viễn Cao Bằng.
Đoàn khách tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Việt Dũng |
Từ ngày 10 đến 19/5/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng đều lấy tên là Hội cứu quốc. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Để có “một lực lượng vũ trang toàn quốc”, phải có những tổ chức tiểu tổ du kích như đội du kích của bà Ngọc...
Cũng từ cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm… mở một lớp quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó (Hà Quảng) do Bác trực tiếp đề ra kế hoạch huấn luyện và trực tiếp giảng dạy về cách đánh du kích, cách điều tra nắm tình hình địch…Và cũng tại Pác Bó, theo chỉ thị của Người, Tỉnh ủy Cao Bằng đã thành lập Đội du kích tập trung đầu tiên (còn gọi là Đội du kích Pác Bó), gồm 12 người, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng.
Đến đầu năm 1943, các xã, tổng thuộc các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đều có các đội du kích. Tháng 3-1944, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng đã chọn căn cứ Lam Sơn, Hoà An nơi bà Ngọc đang công tác để thành lập binh công xưởng với nhiệm vụ cấp tốc tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (tỉnh Bắc Kạn) đi về Thái Nguyên và về miền xuôi.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban xung phong Nam Tiến đã tổ chức được 19 đội xung phong tuyên truyền Nam tiến nhằm khai thông xuống các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang… Nhờ đó, phong trào cách mạng Cao Bằng có điều kiện liên lạc được với Trung ương Đảng ở miền xuôi và hòa nhập cùng với phong trào cả nước…
Trong cuốn tư liệu, bà Ngọc còn kể về một kỷ niệm quốc tế đối với đội du kích của bà, đó là việc nuôi người phi công Mỹ giữa rừng già. Giữa tháng 10-1944, quân đồng minh của cách mạng Việt Nam là Mỹ thường tiến hành ném bom đồn Nhật ở huyện lỵ Hòa An. Một phi cơ Mỹ bị Nhật bắn cháy, viên phi công tên là SAM nhẩy dù xuống rừng. Du kích ta đưa viên phi công về căn cứ, nơi có đồng chí Phạm Văn Đồng đóng bản doanh.
Chỉ huy giao cho đồng chí Cao Hồng Lĩnh, giỏi tiếng Anh trò chuyện với viên phi công. Bà Ngọc được giao nhiệm vụ hằng ngày nấu cơm và đưa tới Lủng Ngoảng nuôi viên phi công. Được giao nhiệm vụ bà tìm mọi cách nấu ăn phù hợp với khẩu vị người Mỹ. Đồng chí Bằng Giang đến tối bí mật đưa viên phi công đi tìm hiểu hoàn cảnh kháng chiến của ta lúc đó. Trong điều kiện khó khăn, vất vả, nhưng mọi việc diễn ra tốt đẹp cho đến ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa viên phi công trao trả cho đồng minh tại Vân Nam (Trung Quốc).
Câu chuyện tiếp theo được ghi lại như sau: Đoàn không quân 14 của Đồng Minh (do Mỹ đảm trách) đồn trú tại Côn Minh, hoạt động chống Nhật mạnh mẽ. Đầu năm 1945, máy bay của Đoàn 14 do trung uý Sam lái bị Nhật bắn rơi. Du kích Việt Minh bắt và báo cáo sự việc lên Bác Hồ. Do nắm được ý muốn quan hệ với Việt Minh của tướng Senon, Tư lệnh Đoàn không quân 14, Bác Hồ trực tiếp đưa viên phi công Sam sang trao trả. Ngày 29/3/1945, tại Côn Minh đã diễn ra cuộc gặp, hội đàm giữa đại diện Việt Minh là Bác Hồ và đại diện Đồng Minh là Tướng Senon…
Sự kiện quan trọng của lực lượng vũ trang cách mạng
Thế rồi, sự kiện vĩ đại của cách mạng Việt Nam cũng đến. Đó là vào 17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên.
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Việt Dũng |
Sự kiện Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói riêng.
Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, cùng với nhân dân cả nước, đội quân chủ lực đầu tiên đã không ngừng phát triển, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đúng như khẳng định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước chúng ta. Đó là đội quân Anh hùng của dân tộc Anh hùng.
Bà Lê Thị Ngọc kể trong hồi ký: Thực hiện kế hoạch Nam tiến, chúng ta chia làm 3 đạo quân: Đông tiến, Cao Bằng theo hướng Lạng Sơn mà tiến, nếu thuận hội với Cứu quốc quân 2 ở Bắc Sơn rồi Võ Nhai của Thái Nguyên. Đi tiếp xuống Bắc Giang, Bắc Ninh… Nam tiến, hướng Bắc Kạn rồi xuống Thái Nguyên. Bắc tiến, hướng từ Bảo Lạc rồi qua Hà Giang xuống Tuyên Quang.
Ngày 15/5/1945, các đội quân tụ hội ở Định Hóa, hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Tháng Tám năm ấy thì cách mạng thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đến giữa năm 1945, bà Ngọc cũng đã 18 tuổi và được kết nạp vào Đảng, bà nhiều năm làm việc tại Thái Nguyên, chức vụ lên tới Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Bà có người chồng là ông Ngô Đình Quý - một cán bộ lãnh đạo chuẩn chỉ và sinh được 5 người con, đều thành đạt và luôn tự hào về cha mẹ. Bà yên nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch năm 2014.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin