Dù xuân chỉ mới chớm song ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), những vạt nắng vàng trải rộng đã thế chỗ của mùa mưa kéo dài.
Đây cũng là lúc quân và dân trên huyện đảo đang phấn khởi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần sớm với những điều đặc biệt chỉ có ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Đón Tết “3 không”
Trước khi cùng đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân ra thăm, chúc Tết sớm quân và dân huyện đảo Trường Sa, chúng tôi phải thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, huyện đảo Trường Sa là địa phương duy nhất của tỉnh Khánh Hòa chưa phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2.
Nhịp sống của quân và dân trên đảo yên ả, thanh bình. Những ngày giáp Tết, ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, những chuyến tàu trọng tải lớn đầy ắp hàng hóa với đầy đủ hương vị Tết của các vùng miền cập cảng. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và đồng bào ở mọi miền đất nước đã giúp cho quân và dân huyện đảo được đón Tết cổ truyền sớm hơn ở đất liền, bảo đảm sung túc, đủ đầy.
Chúng tôi đến các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn (các điểm A, B, C), Len Đao, Cô Lin, Tiên Nữ... ở đâu cũng được trang hoàng rực rỡ để đón Tết. Trên các bàn thờ ở các đơn vị cũng như trong các gia đình đều có ảnh Bác Hồ, bánh chưng, kẹo, mứt, khay ngũ quả, hoa tươi, cây quất, cành đào.
Cũng như những năm trước, mặt hàng rượu, bia, thuốc lá tuyệt nhiên không có. Tuy nhiên không phải vì thế mà trong những bữa cỗ thiếu đi sự nồng nhiệt. Quân và dân dùng nước ngọt chúc nhau trong bầu không khí chan hòa, vui tươi, lành mạnh. Đây có lẽ là nét văn hóa đặc sắc không ở đâu có được. Thiếu tá Trần Như Hùng, Chính trị viên đảo Đá Lớn nói vui với chúng tôi: “Không có nồng độ cồn, không có chất nicotin trong người nên mọi quân nhân đã khỏe lại càng khỏe hơn, bảo đảm thể lực tốt để thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió...”.
Bánh chưng gói bằng lá bàng quả vuông
Trước khi lên tàu ra Trường Sa, chỉ huy Vùng 4 Hải quân bật mí với chúng tôi rằng, đặc sản Tết ở Trường Sa thì nhiều nhưng đặc biệt nhất vẫn là bánh chưng gói bằng lá bàng quả vuông. Lời giới thiệu ấy khiến những người lần đầu ra Trường Sa rất háo hức.
Mặt trời vừa hừng đông, trên đảo Sinh Tồn, âm thanh từ loa phát thanh vang lên: “Đúng 8 giờ, các thành phần đã được phân công về sân chỉ huy đảo cùng với nhân dân tổ chức gói bánh chưng Tết...”. Trong chốc lát, mỗi vị trí đã đông đủ 5-6 người cùng các cháu nhỏ ngồi quây quần bên các chậu đựng gạo nếp, nhân thịt lợn, đậu xanh. Ở vị trí trung tâm là nơi thu hút nhiều người tham quan. Ở đó, Thượng úy QNCN Nguyễn Anh Đức, nhân viên tham mưu, đảo Sinh Tồn trổ tài gói bánh chưng bằng lá bàng quả vuông. Chỉ sau vài phút, chiếc bánh chưng vuông vức được anh hoàn thành khiến mọi người trầm trồ thán phục. Đã đón 6 cái Tết ở các điểm đảo trên huyện đảo Trường Sa, anh Đức là một trong những “nghệ nhân” gói bánh chưng bằng lá bàng quả vuông.
Thượng úy QNCN Nguyễn Anh Đức cho hay, cây bàng quả vuông, phong ba, mù u là đặc trưng của Trường Sa. Lá bàng quả vuông to gần bằng lá dong, dày, dẻo, có sẵn ở quanh nhà, khắp trên các trận địa nên mấy phút là có cả xấp dày cộm. Lá chỉ cần dùng khăn ướt lau sạch, gấp thành nếp cho vào khuôn gói rất nhanh. Bánh luộc xong vị thơm ngon của bánh không kém gì so với bánh gói bằng lá dong.
Tết đoàn kết quân dân, sẵn sàng chiến đấu cao
Trong mọi hoạt động chuẩn bị đón Tết, từ việc sắp đặt bàn thờ, gói bánh chưng, làm thịt lợn, tổ chức các trận thi đấu thể thao, các trò chơi, văn hóa-văn nghệ luôn có sự tham gia của bộ đội và nhân dân. Các cháu nhỏ tung tăng hồn nhiên í ới: “Ra đằng kia xem các chú bộ đội và bố tớ làm thịt lợn”; “Về sân đảo xem mẹ tớ và các chú bộ đội gói bánh chưng”... Quân và dân cùng “ngôi nhà” là đảo, cùng “quê hương” là biển cả, họ gần gũi, chân tình như người thân trong gia đình.
Gia đình anh Võ Văn Trung, chị Nguyễn Thị Duyên cùng nhiều hộ dân đã đón nhiều cái Tết cổ truyền ở xã đảo Sinh Tồn. Năm nào cũng vậy, họ luôn đón nhận tình cảm nồng ấm, vật chất đong đầy của cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào ở mọi miền đất nước gửi ra nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Khi chúng tôi hỏi về cảm nhận đón Tết xa quê như thế nào? Anh Trung xúc động nói: "Trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp nhưng cả nước luôn nhớ và hướng về Trường Sa. Dù sóng to, gió lớn, biển động nhưng bộ đội hải quân vẫn vượt lên hiểm nguy chở hàng hóa, nhu yếu phẩm ra đảo để nhân dân có cái Tết ấm no, sung túc...".
Vui Tết không quên nhiệm vụ, ở nơi tiền tiêu, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trung tá Nguyễn Văn Phòng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Sinh Tồn, cho biết: “Đơn vị xây dựng kế hoạch khoa học, luyện tập thuần thục các phương án, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Các vọng gác tăng cường quân số, tổ chức canh gác nghiêm túc 24/24 giờ. Với lực lượng dân quân, phân công luân phiên tuần tra, kiểm soát ngày đêm quanh đảo, luyện tập xử trí các tình huống...”.