Cựu Thủ tướng Pakistan, Benazir Bhutto bị ám sát

08:02, 27/12/2007

Cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto đã thiệt mạng trong một vụ ám sát do một kẻ tấn công tự sát thực hiện vào ngày 27/12 khi bà đang phát biểu trong một cuộc mít tinh tại Rawalpindi, cách Islamabad 13km.

Ông Rehman Malik, cố vấn an ninh của bà Bhutto cho biết kẻ tấn công đã bắn bà vào cổ và ngực trước khi kích nổ khối thuốc mang theo người. Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 người nữa.

Theo ông Wasif Ali Khan, thành viên đảng PPP của bà Bhutto, bà đã được đưa đến bệnh viện đa khoa Rawalpindi để cấp cứu nhưng đã trút hơi thở cuối cùng vào 18:16, khoảng 1 tiếng sau vụ tấn công.

Những người ủng hộ bà Bhutto đã giận dữ lẫn đau buồn sau cái chết của cựu Thủ tướng 54 tuổi. Họ đã tấn công cảnh sát, đốt cháy những chiếc lốp cao su và biển hiệu vận động tranh cử tại vài thành phố. Tại bệnh viện nơi bà qua đời, một số người đã đập vỡ các cửa kính, ném đá vào xe hơi và hô vang các khẩu hiệu chống lại Tổng thống Musharraf.

Cái chết của bà Bhutto, một lãnh đạo rất có ảnh hưởng tại Pakistan sẽ gây ra bất ổn trên chính trường nước này, đặc biệt khi cuộc vận động cho bầu cử ngày 8/1 tới đang ở giai đoạn nước rút. Người ta cũng lo ngại về khả năng xảy ra các cuộc biểu tình và bạo động tại khắp Pakistan.

Tổng thống Musharraf đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp cùng với các quan chức cao cấp để thảo luận việc liệu có nên hoãn cuộc bầu cử hay không.

Ông Nawar Sharif, một cựu Thủ tướng Pakistan khác đã tới bệnh viện và ngồi lặng lẽ bên thi thể bà Bhutto.

“Benazir Bhutto còn là một người chị của tôi và tôi sẽ cùng các bạn trả thù cho cái chết của bà. Đừng cảm thấy mình đơn độc. Tôi bên cạnh các bạn và sẽ trả thù”, ông Sharif nói.

Mỹ, Anh, Nga và Pháp đã lên án vụ ám sát bà Bhutto.

“Vụ tấn công cho thấy rằng tại Pakistan vẫn còn những người đang tìm cách phá hoại tiến trình hòa hợp dân tộc và dân chủ”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Ngoại trưởng Anh David Miliband cũng khẳng định ông “bị sốc’ trước thông tin về cái chết của bà Bhutto và kêu gọi sự “kiềm chế và đoàn kết” tại Pakistan. “Những tổ chức cực đoan không thể và phải không thể đạt được mục đích”, ông Miliband nói.

Trong khi đó Nga kêu gọi các lãnh đạo Pakistan duy trì sự ổn định đất nước. Pháp cũng gọi đây là hành động ghê tởm và cho hay rất quan ngại về tình hình tại Pakistan.

Tốt nghiệp đại học Harvard và Oxford, bà Bhutto đã hai lần là Thủ tướng Pakistan trong những năm từ 1988 đến 1996. Cha bà, người cũng đã từng giữ chức Thủ tướng Pakistan đã bị hành quyết vào năm 1979, 2 năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.

Bà Bhutto đã trở về Pakistan sau 8 năm sống lưu vong vào ngày 18/10 theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Tổng thống Musharraf. Trong chính ngày này bà đã may mắn thoát chết trong một âm mưu ám sát bằng đánh bom tự sát tại Karachi làm 150 người thiệt mạng.