Nga khẳng định cường quốc khí đốt

10:43, 23/12/2007

Ngày 20-12, các bộ trưởng năng lượng của Nga, Tuốc-mê-ni-xtan và Ca-dắc-xtan đã chính thức ký hiệp định xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Tuốc-mê-ni-xtan tới Nga chạy qua lãnh thổ Ca-dắc-xtan.

Thỏa thuận này được ký kết sau khi ba bên đạt thỏa thuận sơ bộ hồi tháng 5 vừa qua. Nỗ lực để “gặt hái” sự ủng hộ của 2 nước láng giềng trong kế hoạch xây đường ống dẫn khí chung này đã giúp Nga đi trước một bước so với Mỹ trong dự án xây dựng một đường ống dẫn khí từ Tuốc-mê-ni-xtan xuyên qua biển Ca-xpi tới Nam Âu. Hơn thế nữa, đây còn là chiến thắng quan trọng giúp Mát-xcơ-va giành quyền tiếp cận trực tiếp nguồn khí tự nhiên dồi dào của Tuốc-mê-ni-xtan để duy trì được vị thế thống trị của nhà thầu nhiên liệu cho khu vực.

Đường ống dẫn khí này sẽ chạy dọc bờ biển Ca-xpi qua lãnh thổ Tuốc-mê-ni-xtan (360 km), Ca-dắc-xtan (150 km). Sau đó, tại địa điểm A-lếch-xan-đrốp Gay thuộc biên giới của Nga và Ca-dắc-xtan, đường ống này sẽ nối với đường ống dẫn khí tại Trung á vốn đã không còn sử dụng từ năm 1967 để tới châu Âu. Theo tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom, đường ống dẫn khí mang tính lịch sử này sẽ được khởi công xây dựng từ giữa năm 2008. Nó sẽ giúp Nga nâng tổng khối lượng khí nhập khẩu từ Tuốc-mê-ni-xtan lên 80 tỉ mét khối mỗi năm cho đến năm 2028, thay vì 39 tỉ mét khối như hiện nay. Về phía Tuốc-mê-ni-xtan, bắt đầu từ tháng 1-2008, Nga sẽ trả cho nước này 130 USD/1.000m3 khí thay vì giá 100USD trong năm nay. Nửa sau của năm 2008, con số này sẽ tăng lên 150 USD/1.000m3.

Ngoài thỏa thuận trên, trước đó Nga, Tuốc-mê-ni-xtan, Ca-dắc-xtan cũng đã ra tuyên bố chung khẳng định sẽ hợp tác với U-dơ-bê-ki-xtan nhằm cải tạo các đường ống dẫn nhiên liệu hiện có từ thời Liên bang Xô viết cũng như tăng công suất của mạng lưới truyền tải khí ở Trung Á.

Những năm gần đây, Nga luôn coi trọng việc tăng cường nhập khẩu khí đốt của các nước Trung á như Tuốc-mê-ni-xtan, Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan để bù đắp cho sự thiếu hụt về nguồn cung từ chính các mỏ năng lượng của nước này. Chính sách của Mát-cơ-va đã đạt được sự thành công lớn ở Ca-dắc-xtan, nơi các công ty Nga đều tham gia vào những dự án khai thác dầu mỏ và xây dựng mạng lưới đường ống truyền tải chính.

Đến nay, với sản lượng hàng năm là 700 tỉ mét khối, chiếm 22% sản lượng thế giới và 51 % của Các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), Nga đang trở thành quốc gia tiềm năng về xuất khẩu khí đốt toàn cầu.

Trong bối cảnh như vậy, Liên minh châu Âu (EU) không thể không e ngại vì khối này vốn dĩ đã phụ thuộc nặng nề vào khí đốt tự nhiên. Là một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng lớn nhất thế giới, Mỹ, đồng minh lớn của EU, cũng ngày càng phải phụ thuộc vào khí đốt mặc dù hiện nay năng lực tự sản xuất của siêu cường này vẫn đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mỹ chỉ phải nhập khẩu một phần nhỏ khí đốt khô của Ca-na-đa, Ca-ta, Tơ-ri-ni-đát và Tô-ba-gô. Tuy nhiên, Mỹ sớm muộn sẽ phải phụ thuộc đáng kể vào các nguồn khí đốt nhập khẩu vì nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước này đang gia tăng “chóng mặt”.

Rõ ràng khí đốt đang trở thành yếu tố sống còn trong một thế giới công nghiệp hóa. Và Nga, hiện đã duy trì được ảnh hưởng lớn hơn so với phương Tây trong lĩnh vực năng lượng. Không ai có thể phủ nhận rằng, đây sẽ là một đòn bẩy giúp Nga củng cố vị thế của một cường quốc khí đốt trong thời gian tới.