Triều Tiên im lặng về hạn chót giải trừ hạt nhân

09:20, 01/01/2008

Triều Tiên hôm 1/1 đã nhấn mạnh các vấn đề kinh tế song không đề cập tới việc lỡ hạn chót tuyên bố mọi chương trình hạt nhân. Nước này đã cam kết cải thiện đời sống người dân và một lần nữa yêu cầu Mỹ chấm dứt chính sách thù địch đối với Triều Tiên.

Hạn chót tuyên bố mọi hoạt động hạt nhân trước ngày 1/1 là một phần của thỏa thuận sáu bên, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga và hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã thể hiện sự thất vọng trước việc Triều Tiên lỡ hạn chót này.

Trong bài xã luận năm mới, một phương tiện mà Bình Nhưỡng sử dụng để liệt kê những thành tựu trong năm cũ và đặt ra các ưu tiên cho năm tới, phát triển kinh tế là chủ đề nổi bật. ’’Toàn đảng, toàn đất nước và toàn thể nhân dân sẽ tiến hành một cuộc tổng tiến công để xây dựng một cường quốc kinh tế’’, bài xã luận cho biết, nhấn mạnh yêu cầu giải quyết tình trạng thiếu lương thực hiện nay.

Bài xã luận không đề cập tới lãnh đạo mới của Hàn Quốc Lee Myung-bak, người cam kết có lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng và việc ông đắc cử vẫn chưa được đưa tin trên các phương tiện truyền thông ở Triều Tiên. Thay vào đó, bài xã luận cảnh báo ’’sự bợ đỡ Mỹ’’ có thể ngăn cản sự thống nhất của hai miền Triều Tiên. Trong bài xã luận, Triều Tiên cam kết nỗ lực hết sức vì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hứa hẹn hợp tác với mọi quốc gia thân thiện với Triều Tiên.

Kể từ khi ký thỏa thuận giải trừ hạt nhân hồi tháng 2/2007, Triều Tiên đã đóng cửa lò phản ứng chính tại Yongbyon. Nước này đang tiến hành các bước đóng cửa vĩnh viễn cơ sở này. Tuy nhiên, giai đoạn hai của tiến trình giải trừ hạt nhân - tuyên bố bằng văn bản mọi hoạt động hạt nhân - vấp phải nhiều khó khăn hơn. Mỹ đặc biệt muốn biết Triều Tiên đã sản xuất bao nhiêu plutonium cũng như muốn thấy bằng chứng không có chương trình bí mật làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên đã phủ nhận sự tồn tại của các chương trình trên và nói rằng sự trì hoãn giải trừ là do các bên còn lại chậm cung cấp viện trợ. Các quốc gia trong thỏa thuận sáu bên đã tỏ ý thất vọng về sự lỡ hạn chót này song cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên.