Vào lúc 17 giờ GMT chủ nhật ngày 17/2/2008, Quốc hội tự phong của tỉnh Kosovo thuộc Serbia đã triệu tập phiên họp đặc biệt thông qua tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia.
Việc Kosovo đơn phương tuyên bố trở thành một Nhà nước độc lập có chủ quyền là diễn biến mới nhất của tiến trình tan rã của Liên bang Nam Tư và được nhiều người xem như là bước cuối cùng trong việc vạch lại các đường biên giới quốc gia ở khu vực Balkan vốn có quá nhiều xáo trộn trong những năm sau Chiến tranh lạnh.
Cho đến trước thời điểm tuyên bố độc lập, Kosovo là một tỉnh thuộc Serbia (trước đây thuộc Nam Tư cũ). Trong khi người Serbia chiếm đa số tại Serbia thì tại Kosovo, người Albania chiếm đa số áp đảo với hơn 90% trên tổng số khoảng 2 triệu dân.
Vào cuối thế kỷ 14, Kosovo bị xâm chiếm và trở thành lãnh thổ của đế chế Ottoman. Sau khi đè bẹp các phong trào kháng chiến của người Serbia theo Chính thống giáo đã sinh sống ở đây từ thế kỷ thứ 7, đế chế Ottoman đã đưa người Albania Hồi giáo đến định cư tại Kosovo.
Năm 1912, đế chế Ottoman sụp đổ, Kosovo trở thành một bộ phận của Serbia. Năm 1941, Đức Quốc xã chiếm toàn bộ Nam Tư. Kosovo trở thành một bộ phận của nhà nước Đại Albania dưới sự cai quản của Italia. Năm 1945, nhà nước Đại Albania tan rã, Liên bang Nam Tư ra đời, Kosovo trở thành một bộ phận lãnh thổ thuộc Serbia.
Trong một thời gian dài đến những năm 1980, Kosovo được hưởng quy chế tự trị cao trong Liên bang Nam Tư. Nhưng không khí căng thẳng và thù địch giữa hai cộng đồng người Albania và Serbia vẫn âm ỉ và ngày càng gia tăng, nhất là từ đầu những năm 1980. Năm 1986, ông Milosevic lên cầm quyền ở Nam Tư và đã xiết chặt quản lý đối với Kosovo, tiến tới xóa bỏ tất cả các thể chế chính trị và văn hóa, cũng như quyền tự trị đối của Kosovo.
Chiến tranh lạnh kết thúc cùng với những ràng buộc của nó mở đường cho nhiều mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo bùng nổ ở khu vực Balkan. Các sắc tộc trong Liên bang Nam Tư bắt đầu tìm kiếm con đường riêng và đưa ra các yêu sách độc lập tách khỏi chính quyền liên bang.
Năm 1990, Quốc hội Kosovo tuyên bố Kosovo độc lập, tiến hành trưng cầu dân ý và được ủng hộ của đa số dân chúng. Năm 1995, trên cơ sở các nhóm vũ trang chống chính phủ liên bang đã tồn tại từ trước, một lực lượng người gốc Albania theo đường lối cứng rắn thành lập Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA), được sự hỗ trợ về vũ khí và các viện trợ khác từ Albania, Mỹ, Đức, đã tiến hành chiến tranh du kích chống chính quyền liên bang do người Serbia kiểm soát.
Tháng 3/1999, với lý do quân đội Nam Tư vi phạm nhân quyền và phạm tội diệt chủng đối với người Albania ở Kosovo, Mỹ thông qua NATO đã sử dụng không quân tấn công Nam Tư, yêu cầu chính quyền Belgrad rút quân đội khỏi Kosovo.
Sau đó, HĐBA LHQ ra Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự quản trị của LHQ. Quân đội Nam Tư rút khỏi Kosovo, lực lượng KFOR của NATO được triển khai tại Kosovo nhằm đảm bảo an ninh và duy trì sự chung sống giữa hai cộng đồng người Albania và Serbia.
Có thể thấy rằng từ lâu giữa người Serbia và người Kosovo gốc Albania đã có những mâu thuẫn khó có thể hóa giải. Người Serbia luôn coi Kosovo là “cái nôi” của chủ nghĩa dân tộc Serbia, biểu tượng cho chủ nghĩa yêu nước chống lại sự chiếm đóng của đế chế Ottoman và thậm chí coi Kosovo là biểu tượng cho sự phản kháng của châu Âu Thiên Chúa giáo chống lại sự bành trướng của Hồi giáo trong nhiều thế kỷ trước khi đế chế Ottoman sụp đổ.
Trong khi đó, người Kosovo gốc Albania lại xem Kosovo là một “miền đất hứa” khi họ được đế chế Ottoman đưa đến định cư tại đây. Mâu thuẫn còn lớn hơn khi người Serbia theo Chính thống giáo còn người Kosovo gốc Albania lại theo Hồi giáo.
Vị trí địa lý của Kosovo trên bán đảo Balkan cũng làm cho mâu thuẫn giữa hai sắc tộc này trở nên sâu đậm. Balkan nói chung và Nam Tư nói riêng đã trở thành địa bàn tranh giành chiến lược giữa các cường quốc, giữa đế chế Ottoman với đế chế Áo-Hung, giữa phe Đồng minh và phe Trục trong chiến tranh thế giới thứ 2 và sau đó là giữa các siêu cường Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Chính vì vậy, những gì đang diễn ra và đã diễn ra từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc không đơn thuần là câu chuyện giữa người Serbia và người Kosovo gốc Albania mà còn là sự cạnh tranh của các thế lực, cũ và mới, trên bàn cờ địa chính trị Balkan.