Tổng thống Mỹ vừa hạ lệnh cho hải quân dùng tên lửa bắn hạ một vệ tinh do thám của Mỹ bị hỏng hóc đang rơi xuống trái đất. Mục đích vụ bắn này là ngăn ngừa một thảm họa sinh thái khi vệ tinh vô tình rơi trúng khu dân cư bởi thùng nhiên liệu của nó chứa hydrazine, một loại nhiên liệu độc hại.
Mặc dù Lầu Năm Góc giải thích đi giải thích lại rằng đây là một sứ mệnh nhân đạo nhằm giảm thiểu mối hiểm nguy cho nhân loại, nhiều chuyên gia về an ninh và không gian vũ trụ cho rằng lời giải thích này thiếu sức thuyết phục. Họ nghi ngờ rằng đằng sau chuyện tự hủy hoại vệ tinh của chính mình là một vụ thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh (gọi tắt là ASAT) loại mới nhắm vào các vệ tinh quân sự của các nước khác.
Các chuyên gia nghi ngờ
- Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia về an ninh và không gian vũ trụ nói họ không tin vào lời biện minh của chính quyền ông Bush, theo đó, kế hoạch bắn một quả tên lửa vào một vệ tinh bị hỏng hóc trước khi nó bay vào khí quyển trái đất chỉ nhằm ngăn ngừa sự rò rỉ loại khí độc chết người chứa trong thùng nhiên liệu của vệ tinh.
Michael Krepon, chuyên gia về an ninh của Trung tâm Henry M. Stimson, một nhóm nghiên cứu tư nhân ở Washington, cho rằng lập luận của Lầu Năm Góc “không có sức thuyết phục”.
Ivan Oelrich, một chuyên gia về an ninh ở Liên đoàn Khoa học gia Mỹ, cho biết: “Họ (Lầu Năm Góc) nhân cơ hội này thử nghiệm một hệ thống chống vệ tinh để hủy diệt vệ tinh. Tôi e rằng việc này sẽ dẫn tới chuyện Nga và Trung Quốc (TQ) khởi động một cuộc chạy đua vũ trang chống vệ tinh mới. Đây là chuyện chẳng hay ho gì và đặc biệt đe dọa nước Mỹ vì sự hiện diện trong không gian vũ trụ của chúng ta là lớn nhất”.
Nhật báo The Washington Post, dẫn lời một số quan chức và chuyên gia Mỹ, thừa nhận rằng vụ bắn hạ vệ tinh nói trên cũng có thể là một dấu hiệu Mỹ dùng tên lửa phòng thủ của mình để đối phó với vũ khí chống vệ tinh chiến lược của TQ.
Kể từ thập niên 1980, Mỹ chưa có cơ hội nào thử lại vũ khí ASAT. Nga (và Liên Xô trước đây) cũng không có hoạt động nào tương tự từ 20 năm nay. Vì thế, đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành một sứ mệnh diệt vệ tinh. Tháng 1-2007, Mỹ tỏ ra ấm ức khi TQ dùng tên lửa địa-không để bắn hạ một vệ tinh khí tượng cũ kỹ của mình. Ấm ức nhưng không có dịp nào để triển khai vũ khí ASAT của mình nhằm răn đe đối thủ.
Tờ báo cho biết thêm, các quan chức an ninh quốc gia và quốc phòng tham gia những cuộc thảo luận về kế hoạch hủy diệt vệ tinh thừa nhận rằng, một trong các nguyên nhân khiến Mỹ dùng hệ thống tên lửa phòng thủ để chống lại một mục tiêu trong không gian vũ trụ, cũng có thể nhằm làm nổi bật tiềm năng của hệ thống như một vũ khí ASAT. Cũng không loại trừ việc Mỹ không muốn những thiết bị bí mật trên vệ tinh rơi vào tay người khác. Mặc dù vậy, công khai mà nói các quan chức Mỹ đã tránh nói đến chuyện này.
Cơ hội hiếm có
- Mục tiêu bắn hạ lần này là một vệ tinh do thám bí mật của Mỹ có tên US193 nặng 2.270 kg phóng lên quỹ đạo trái đất tháng 12-2006. Ngay sau đó, do mất nguồn năng lượng và máy tính trung tâm bị hỏng hóc, trung tâm mặt đất không thể điều khiển nó. Và nguy hiểm nhất, nó chứa 454 kg khí độc hydrazine trong thùng nhiên liệu. Vệ tinh này đang rớt xuống trái đất và có thể rơi vào khí quyển trái đất từ ngày 6-3.
Vì không thể điều khiển được, chiếc vệ tinh này không rõ sẽ rơi vào đâu, nước nào. Nếu nó rơi trên đất liền, thậm chí vào một khu dân cư, thì dễ gây ra một vụ ngộ độc tập thể chết người bởi thùng chứa khí hydrazine không bị tan rã trong quá trình rơi xuống mặt đất.
Vì lẽ đó, Tổng thống Bush đã quyết định bắn hạ vệ tinh US193 trước khi nó rơi vào khí quyển để bảo đảm an toàn. Vũ khí để hạ chiếc vệ tinh này là tên lửa phòng thủ SM-3 của hải quân đặt trên các tàu tuần dương thế hệ Aegis. Bởi SM-3 chuyên dùng để bắn hạ máy bay, tên lửa đạn đạo của địch ngay từ lúc xuất phát chứ chưa từng bắn hạ vệ tinh, nó sẽ được cải tiến thành vũ khí ASAT. Như vậy, sau khi thử bắn hạ vệ tinh từ máy bay đang bay, từ mặt đất, đây là lần đầu tiên Mỹ có cơ hội bắn hạ thật – chứ không phải bắn thử nữa - vệ tinh từ mục tiêu di động trên biển.
Theo kế hoạch, Mỹ dự trù đến ba quả SM-3 cải tiến để thực hiện sứ mệnh hủy diệt vệ tinh US193 từ bên ngoài khí quyển trái đất. Thông thường, chỉ cần một quả là đủ hạ vệ tinh nhưng cũng có thể sau cú đầu tiên bắn trượt, Mỹ buộc phải dùng đến quả thứ hai và thứ ba. Chính chi tiết này khiến người ta càng nghĩ rằng đây thực sự là một cơ hội hiếm có để thử vũ khí ASAT mới và hệ thống tên lửa phòng thủ chứ không đơn thuần hạ vệ tinh hư hỏng như Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và các quan chức NASA giải thích.
Những rủi ro chết người
Kanishkhan Sathasivam, là giáo sư - tiến sĩ Mỹ gốc Sri Lanka giảng môn khoa học chính trị tại Trường Đại học Salem State College. Ông cũng có bằng thạc sĩ khoa công trình hàng không vũ trụ và từ lâu theo dõi những vệ tinh độc hại rơi xuống đất. Theo ông, sự kiện Mỹ quyết định dùng tên lửa để bắn hạ vệ tinh của mình ẩn chứa nhiều rủi ro về mặt kỹ thuật và chính trị.
Thời điểm sẽ quyết định sự thành bại. Bắn hạ một vệ tinh ở độ cao quá lớn sẽ tạo ra một đống mảnh vỡ trong không gian vũ trụ có thể gây hại cho các vệ tinh khác, không phân biệt của ta, của bạn hay của kẻ thù. Nếu vệ tinh rơi vào bầu khí quyển trái đất mà chưa bị bắn hạ thì mức độ gây tác hại của nó còn lớn hơn nhiều. Đường đi của nó không thể tính trước được vì vậy khả năng bắn trúng đích là “không thể”. Vì thế, thời điểm thích hợp nhất để bắn hạ là khi nó sắp sửa đi vào bầu khí quyển. Lúc đó nó sẽ tan vỡ thành những mảnh li ti tự bốc cháy khi rơi trên mặt đất.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bắn hụt? Thứ nhất, thùng nhiên liệu khổng lồ chứa khí hydrazine sẽ vỡ ra từng mảnh lớn khi vệ tinh rơi xuống mặt đất gây ra một thảm họa sinh thái, nếu chẳng may rơi vào khu dân cư. Thứ hai, chương trình phòng thủ bằng tên lửa SM-3 của Mỹ tiêu tốn hàng tỉ USD sẽ bị chỉ trích nặng nề.
Theo tiến sĩ Sathasivam, nếu thực hiện thành công kế hoạch này, Mỹ muốn nhắn gửi với Bình Nhưỡng rằng tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo sẽ là chuyện phù phiếm. Nhưng nếu thất bại, Mỹ sẽ lãnh đủ hậu quả.