"Kuruma banare" là một xu hướng mới nhen nhóm trong xã hội Nhật,gây tác hại cho ngành công nghiệp ô tô của nước này.
Quan niệm của anh Suda phản ánh một xu thế đáng lo ngại đối với ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản: xe hơi đang mất dần đi ưu thế của nó, đặc biệt là trong giới trẻ, những người luôn thích chi tiền cho những đồ dùng điện tử hiện đại nhất. Năm ngoái, doanh thu từ xe hơi tại xứ sở Phù tang đã sụt giảm từ 6,7-7,6%. Năm 1990; Số ô tô bán ra là 7,8 triệu chiếc, năm 2007 con số này là 5,4 triệu.
Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” nói trên, năm ngoái Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) đã tiến hành nghiên cứu thị trường. Họ phát hiện ra những thay đổi trong nhân khẩu cũng như khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng mở rộng tại Nhật Bản. Càng ngày càng có ít gia đình sinh con, dân số thành thị tăng mạnh, và người ta cũng không còn “chuộng” xe hơi nữa. Ngoài ra, người Nhật không còn “khoái” đổi xe thường kỳ như trước. Thời gian họ sử dụng một chiếc xe giờ lâu hơn.
Ông Ryuichi Kitamura, giáo sư và là chuyên gia về vận tải tại trường Đại học Kyoto, nhận định: “Ngành công nghiệp xe hơi của Nhật Bản đang đứng ở ngã ba đường”. Ông Kitamura cũng không cho rằng xu hướng này sẽ nhanh chóng đảo ngược, bởi các nghiên cứu đều cho thấy người tiêu dùng Nhật Bản càng trẻ thì càng không thích sở hữu xe ô tô. JAMA dự đoán doanh số xe bán ra ở nước này sẽ tiếp tục giảm 1,2% năm 2008. Một số nhà phân tích tin rằng nếu tình trạng hiện tại không được cải thiện thì ngành công nghiệp ô tô của nước này sẽ rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngoài ra, Nhật Bản còn đang phải đối mặt với thách thức về nhân khẩu. Số dân thành thị của nước này đã tăng gần 20% từ năm 1990, và hầu hết số người này đều sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hàng ngày. Do vậy nhu cầu sở hữu xe riêng giảm rõ rệt. Theo các chuyên gia, có lẽ sắp tới xu hướng này cũng sẽ phát triển tại châu Âu.
Tuy nhiên ở Nhật Bản, quá trình "phi ô tô hoá”, hay còn gọi là kuruma banare, cũng còn do yếu tố chi phí hoạt động. Nếu bạn muốn sở hữu và lái một chiếc ô tô riêng thì hàng tháng bạn phải chi 500 USD, bao gồm phí đỗ xe, bảo hiểm ô tô, phí cầu đường và nhiều loại thuế khác. Theo khảo sát của JAMA, thuế đánh vào một chiếc xe con giá 17.000 USD ở đất nước Mặt trời mọc cao gấp 4,1 lần ở Mỹ, 1,7 lần ở Đức và 1,25 lần ở Anh. Một nguyên nhân khác là sự thay đổi tư duy của thanh niên Nhật Bản. Trước đây, đi ô tô là biểu tượng của lối sống phương Tây và rất được ưa chuộng, còn bây giờ thì không.
Đối với các công ty sản xuất xe ô tô Nhật Bản, sự xuống dốc hiện nay còn chứa đựng nhiều thiệt hại hơn những gì chúng ta nhìn thấy trước mắt. Ông Takao Katagiri, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nissan Motor Co., nhận định: “Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của thế giới, chiếm từ 17-18% thị phần thương mại toàn cầu. Nó có vai trò rất quan trọng”. Trong đó, thị trường nội địa là nơi các hãng sản xuất ô tô phát triển công nghệ và bí quyết sản xuất. Và nếu bị lao đao, nó có thể phá hủy một ngành công nghiệp tạo công ăn việc làm cho 7,8% lực lượng lao động Nhật Bản.
Mặc dù xuất khẩu sang các nước khác tăng lên, bù đắp đáng kể sự sụt giảm trong doanh số ô tô bán ra ở nội địa, nhưng các hãng chế tạo xe hơi cũng phải tìm cách “lật ngược thế cờ”.
Nissan đang “cầu viện” tới thế hệ kỹ thuật số thông qua các video trò chơi và blog quảng cáo: Trong trò chơi đua xe của Sony PlayStation, người chơi sẽ có được cảm giác gần giống như thật khi điều khiển chiếc ô tô thể thao kiểu mới nhất GT-R của hãng Nissan.
Tương tự, hãng Toyota Motors cũng mở một khu buôn bán ô tô trong khu phức hợp mua sắm gần Tokyo nhằm mục đích thu hút sự chú ý của khách hàng. Hãng Apple cũng tiến hành một chiến dịch tương tự khi quyết định chuyển sản phẩm điện tử của họ từ các phòng trưng bày lạnh lẽo vô hồn sang các gian hàng bán lẻ sống động, hấp dẫn và thân thiện hơn.