Tên lửa Mỹ bắn hạ vệ tinh do thám

14:11, 20/02/2008

Lầu Năm góc cho biết tên lửa SM-3 được phóng ra từ tàu chiến USS Lake Erie của Mỹ trên Thái Bình dương hôm 21/2 đã bắn trúng vệ tinh do thám mà Tổng thống Bush cho phép hạ gục. Vệ tinh hỏng này ở độ cao cách mặt đất 208km.

Vẫn chưa rõ liệu chiến dịch này có đạt được mục tiêu chính là phá hủy thùng nhiên liệu trên vệ tinh hay không. Thùng nhiên liệu này chứa khoảng 500kg nhiên liệu độc hại hydrazine.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Mỹ đang lợi dụng sự cố với vệ tinh để thử nghiệm khả năng phá huỷ vệ tinh của các quốc gia khác bằng hệ thống chống tên lửa của Mỹ. Trong quá khứ đã có nhiều vệ tinh của các nước khác rơi xuống Trái đất, cùng với nhiên liệu độc hại, song chưa gây tác hại gì.

Các quan chức Mỹ cho biết nhiên liệu hydrazine này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu nó rơi xuống vùng đông dân cư trên trái đất. Có thể mất một ngày hoặc lâu hơn mới biết chắc liệu thùng nhiên liệu đã bị phá hủy hay chưa.

Vệ tinh do thám quốc gia USA 193 này được phóng vào tháng 12/2006. Nó đã mất điện và không thể liên lạc được ngay sau khi được phóng vào không gian. Dự đoán vệ tinh sẽ đi vào khí quyển Trái đất vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 và các quan chức Mỹ không thể dự đoán nó sẽ rơi xuống đâu trên bề mặt Trái đất.

Các bộ phận khác của vệ tinh sẽ bốc cháy khi vào khí quyển Trái đất ngoại trừ thùng nhiên liệu. Nếu không bắn hạ, bình nhiên liệu sẽ nổ tung khi tiếp đất, phát tán khí độc trên một khu vực bằng hai sân bóng đá. Bằng cách bắn phá thùng nhiên liệu, quân đội Mỹ hy vọng nhiên liệu tên lửa hydrazine sẽ phát tán trong không gian.

Bắn hạ USA 193 khi nó ở rìa khí quyển Trái đất giúp giảm thiểu lượng mảnh vụn phát tán trong không gian. USA 193 nặng 2.300kg. Các chuyên gia dự đoán 25- 50% mảnh vụn của vệ tinh bị phá hủy sẽ rơi xuống Trái đất trong vòng 15 tiếng sau khi vụ tấn công xảy ra.

Mỹ đã phủ nhận chiến dịch này nhằm đáp lại vụ thử nghiệm công nghệ diệt vệ tinh mà Trung Quốc tiến hành năm ngoái. Hôm 19/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh hành động này nhằm bảo vệ con người khỏi nhiên liệu độc hại chứ không phải một cuộc thử nghiệm vũ khí.