Ấn Độ phóng thành công 10 vệ tinh lên quỹ đạo

22:11, 30/04/2008

Một sự kiện được xem là gây chấn động giới khoa học vũ trụ đã diễn ra hôm 28/4 vừa qua khi Ấn Độ phóng thành công tên lửa PSLV-C9 mang theo 10 vệ tinh nhân tạo.

Hãng Thông tấn Nga Ria Novosti hôm 30/4 cho biết,  Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa đẩy ký hiệu PSLV-C9 mang theo 10 vệ tinh lên quỹ đạo và sự kiện này đã đánh dấu kỷ lục mới cho ngành hàng không vũ trụ của Ấn Độ.

 

Cơ quan nghiên cứu không gian vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã triển khai và thực hiện thành công lần phóng vệ tinh này từ hòn đảo Sriharikota trên Vịnh Bengal. Đây là lần phóng mà tên lửa đẩy PSLV-C9 mang theo đồng thời 10 vệ tinh trong đó có 2 vệ tinh của Ấn Độ và 8 vệ tinh nano của các nước Canada, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản và Netherlands.

 

2 vệ tinh của Ấn Độ cùng được phóng lên lần này là Cartosat-2A và  IMS-1. Vệ tinh Cartosat-2A là vệ tinh viễn thám nặng 690 kg, được trang bị camera có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao và rõ nét đến từng mét về bề mặt trái đất. Vệ tinh IMS (Indian Mini Satellite) nhẹ cân hơn với chỉ 83 kg và nó phục vụ cho mục đích thử nghiệm công nghệ tiên tiến của Ấn Độ cho những lần phóng vệ tinh trong tương lai.

 

8 vệ tinh còn lại do các trường đại học và viện nghiên cứu danh tiếng của nước ngoài thiết kế và chế tạo với thoả thuận thương mại được ký kết giữa Chính phủ Ấn Độ và tập đoàn Antrix. Theo các chuyên gia kỹ thuật 8 quả vệ tinh của nước ngoài là loại vệ tinh nano, có trọng lượng siêu nhẹ chỉ dao động từ 3 đến 16 kg mỗi quả nhưng mang nhiều khả năng vượt trội về mặt kỹ thuật nếu đem so sánh với những vệ tinh đồ sộ đã từng được phóng lên.

 

Ấn Độ đang từng bước khẳng định tiềm lực khoa học công nghệ và vũ trụ của mình với thế giới và việc phóng thành công lần này đã chứng minh cho khả năng của Ấn Độ.