Ca ghép tim nhân tạo đầu tiên của châu Á

09:58, 10/04/2008

Một bệnh viện Ấn Độ vừa thực hiện thành công ca ghép tim nhân tạo đầu tiên ở châu Á cho một bệnh nhân nam 54 tuổi.

Hôm 20/3, các bác sỹ của Viện tim Narayana Hrudayalaya ở Bangalore (Ấn Độ) đã thực hiện một ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng, cấy một thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD) vào lồng ngực một bệnh nhân nam, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia người Mỹ.

 

Giám đốc bệnh viện, ông Devi Shetty, cho biết thiết bị này, đường kính 60mm và nặng 298g, được cấy vào trong ngực bệnh nhân, phía dưới tim. Thiết bị được nối với một bộ pin ở bên ngoài cơ thể bằng dây cáp và 4 tiếng phải sạc một lần.

 

 VAD là một máy bơm ly tâm dạng đơn giản, giúp hút máu từ tim và bơm vào động mạch chủ. “Mỗi phút thiết bị có thể bơm được 10 lít máu,” ông Shetty nói.

 

Các bác sỹ phẫu thuật ở Mỹ và châu Âu đã cấy ghép loại tim nhân tạo tương tự cho 220 bệnh nhân trong vòng 8 năm qua, nhưng ở châu Á thì đây là ca đầu tiên.

 

Bệnh nhân vừa được ghép tim nhân tạo tại Viện tim Narayana Hrudayalaya là ông Venkata Krishniah, bị một cơn đau tim từ năm 2003 và đã phải nghỉ làm ở một công ty nhà nước.

 

Thiết bị VAD là một giải pháp hiệu quả thay thế cho việc ghép tim, vì không có nhiều người hiến tạng, và nếu có thì cũng chưa chắc phù hợp với bệnh nhân. Giá của thiết bị này là khoảng 3,4 triệu rupi (85.000 USD). Tiền viện phí cho một ca ghép tim nhân tạo như của ông Venkatakrishniah là khoảng 600.000 rupi.

 

 Sau khi thực hiện thành công ca phẫu thuật tim này, bệnh viện đã nhận được thư hỏi thông tin của hơn 100 bệnh nhân ở Ấn Độ và nước ngoài. Ông Shetty cho biết, so với một số nước có trình độ y học tương đương, chi phí phẫu thuật tại Ấn Độ rẻ hơn nhiều.