Các nước hối hả chống khủng hoảng lương thực

10:38, 23/04/2008

Những hồi chuông báo động đã vang lên khắp nơi trên thế giới về bóng ma của một cuộc khủng hoảng lương thực.

 Lãnh đạo Chính phủ các nước từ London tới Indonesia đều kêu gọi những biện pháp khẩn cấp giải quyết vấn đề này. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã đề xuất Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp cấp cao thảo luận về khả năng khủng hoảng.

 

Hãng thông tấn Antara của Indonesia đưa tin, ông Susilo đã gửi một bức thư tới Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

 

Ban đầu, ông đưa ra ý tưởng tổ chức một cuộc họp tại đại hội đồng LHQ ở New York vào tháng 9, nhưng một số người lại cho rằng, khủng hoảng lương thực là rất cấp bách và cần được bàn thảo sớm hơn.

 

Tại London, Thủ tướng Anh Gordon Brown nói, cuộc khủng hoảng là nguy cơ lớn đe doạ đến sự thịnh vượng của thế giới khi cơn bão tín dụng còn đang lan tràn.

 

Ông Brown đã có cuộc gặp với giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới Josette Sheeran, và nhấn mạnh, hành động khẩn cấp để thúc đẩy sản xuất lương thực là cần thiết, kể cả việc xem xét lại tác động của sản xuất nhiên liệu sinh học với nông nghiệp toàn cầu.

 

Giá lương thực gia tăng, cùng với giá nhiên liệu mỗi ngày thiết lập một đỉnh mới sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực lớn đầu tiên của thế giới sau Thế chiến 2, làm bùng nổ các cuộc biểu tình từ khắp Caribbe, châu Phi và châu Á.

 

Tại Singapore, Ngân hàng Phát triển châu Á tuyên bố, kỷ nguyên của lương thực giá rẻ ‘’đã qua’’.

 

Phát biểu tại Hiệp hội nhà báo nước ngoài của Singapore, Tổng giám đốc ADB Rajat Nag, cho rằng, trách nhiệm thuộc về các nước sản xuất lương thực. Theo ông, Chính phủ các quốc gia châu Á đã phản ứng thái quá với tình trạng giá lương thực leo thang, trong đó có biện pháp kiềm chế xuất khẩu.

 

"Ở đây có đủ nguồn cung cấp. Những bất ổn ngày càng lớn về nguồn cung đã lên tới đỉnh điểm khi lạm phát lương thực đã khiến Ấn Độ và Việt Nam cắt giảm lượng xuất khẩu, với hy vọng kiềm chế giá cả trong nước nhưng vẫn thu được giá cao ở nước ngoài’’.

 

Giá gạo từ Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã tăng gấp đôi tính đến thời điểm này.

 

Tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã chỉ trích tuyên bố của Ngân hàng Thế giới và LHQ về việc các quốc gia sản xuất nhiên liệu sinh học đẩy giá lương thực gia tăng.

 

Phát triển nhiên liệu sinh học là một phần kế hoạch hạn chế và giảm bớt lượng khí thải nhà kính, nguyên nhân gây nên tình trạng ấm nóng toàn cầu. Tuy nhiên, khi đất đai được sử dụng vào việc này thì rất nhiều người lại cho rằng, chính nó đã góp phần đẩy giá lương thực.

 

Phụ trách Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng, khoảng 100 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói tồi tệ hơn vì cuộc khủng hoảng lương thực. Còn ông Ban thì nói, giá lương thực gia tăng có nguy cơ đình hoãn việc thực thi mục tiêu giảm một nửa tỉ lệ đói nghèo toàn cầu vào năm 2015.

 

Còn Thủ tướng Anh Brown bày tỏ hy vọng các cuộc hội đàm giữa ông và giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới Josette Sheeran sẽ đưa ra biện pháp hỗ trợ mới để khuyến khích nông dân ở các quốc gia đang phát triển tăng sản lượng lương thực.