Giá lương thực trên thế giới ngày càng tăng nhanh đang là mối lo ngại hàng đầu của cộng đồng quốc tế. "Cơn sóng thần thầm lặng" và "kẻ giết người hàng loạt", đó là hai "biệt danh" khủng khiếp mà giới chuyên gia đặt cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trên phạm vi toàn cầu, đe dọa đẩy hơn 100 triệu người trên thế giới vào cảnh đói kém.
Phát biểu ý kiến với giới báo chí tại trụ sở LHQ ở Viên (Áo) ngày 25-4 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon nêu rõ, giá lương thực tăng cao đã phát triển thành một "cuộc khủng hoảng lương thực thật sự toàn cầu". Chương trình lương thực thế giới của LHQ (WFP) cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực hiện thời là "thử thách lớn nhất" trong lịch sử 45 năm của tổ chức này.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều coi khủng hoảng lương thực toàn cầu là "thách thức lớn nhất của thế kỷ 21". Có nhiều nguyên nhân làm cho giá lương thực "leo thang": thiên tai, biến đổi khí hậu, dân số tăng, nhu cầu tăng mạnh ở các nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Ðộ hay lương thực dùng để sản xuất năng lượng sạch (ethanol) thay thế...
Theo Viện nghiên cứu gạo quốc tế (IRRI), gạo được trồng trọt cách đây hơn 10 nghìn năm và hiện nay được gieo trồng ở tất cả các châu lục, trừ Nam Cực. Trên thế giới có khoảng hơn 40 nghìn loại gạo khác nhau (được phân loại theo chiều dài hạt gạo).
Theo các nhà phân tích, ngoài những nguyên nhân chung đẩy giá lương thực (trong đó có gạo) thực phẩm, giá gạo tăng nhanh còn có nhiều nguyên nhân. Giá gạo tăng do tác động của một loạt vấn đề mang tính dài hạn, trong đó có một số là không thể đảo ngược được, thí dụ như đất để mở rộng diện tích trồng lúa hầu như không còn nữa.
Trong khi diện tích trồng đậu tương, ngô và lúa mì còn có thể mở rộng ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ hay ở châu Âu, thì cây lúa-đòi hỏi mặt ruộng bằng phẳng, nhiều nước và thời tiết ấm áp-lại không có khả năng mở rộng diện tích như vậy. Các vùng vốn là vựa lúa của Trung Quốc, Nam Á và Ðông-Nam Á lại đang bị mất đất canh tác do quá trình đô thị hóa. Việc các chính phủ trợ cấp giá cho sản xuất lúa gạo cũng gây bất lợi cho các cây trồng khác (thay lúa gạo) thích hợp hơn với điều kiện trong vùng.
Trong khi đó, kho dự trữ gạo của thế giới giảm gần 50% từ thời vụ 2000-2001 ở mức kỷ lục 147,1 triệu tấn xuống còn 77,2 triệu tấn thời vụ 2007-2008. Thêm vào đó là nhu cầu tăng nhanh tại các nước có thu nhập dồi dào từ dầu mỏ nhưng lại thiếu gạo trầm trọng như Iran, A-rập Xê-út... những nước có thể mua gạo hầu như với bất cứ giá nào. Gạo đang trở thành lương thực được tiêu thụ rộng rãi tại một số nước châu Phi từ nhiều năm nay phụ thuộc nhập khẩu gạo, hay những thay đổi thói quen ăn uống, chuyển từ các lương thực truyền thống sang gạo là lương thực dễ nấu hơn.
Trước tình hình giá lương thực ngày càng tăng nhanh, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực đã tổ chức nhiều hội nghị, bàn thảo và đưa ra các biện pháp khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) lần thứ 12 tại Thủ đô Accra (Ghana), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon nêu rõ, giải quyết vấn đề lương thực là điều không thể trì hoãn. LHQ sẽ thành lập ngay một nhóm chuyên viên nghiên cứu phương án giải quyết vấn đề này.
Các đại biểu dự hội nghị này cũng nhất trí cho rằng, UNCTAD cần cùng với WB, IMF xây dựng cơ chế hữu hiệu để bảo đảm các nước khó khăn nhất được cung ứng đầy đủ lương thực. Khởi động một kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá lương thực trên thế giới là chủ đề chính của Hội nghị cấp cao Luân Ðôn ngày 22-4 vừa qua, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia về lương thực và đại diện các tổ chức quốc tế trong đó có Giám đốc FAO.
Tại hội nghị này, Thủ tướng G. Brown kêu gọi tiến hành "một cuộc cách mạng nông nghiệp" để nông dân có những vụ mùa đạt năng suất cao hơn. Nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm ngăn chặn những nguyên nhân gây nên "cơn sốt giá lương thực". Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu rõ, các nước phát triển nên ngừng trợ cấp nông nghiệp nhằm khuyến khích sản xuất nhiên liệu sinh học bởi chính việc trợ cấp này đang làm cho các loại lương thực thêm đắt đỏ.
Chủ tịch ADB R.Natz cho rằng nên xem xét lại vấn đề nhiên liệu sinh học vì chưa rõ loại nhiên liệu này "thân thiện" với môi trường đến mức nào, trong khi sản xuất nhiên liệu sinh học đang dẫn đến việc hủy hoại rừng và giảm diện tích đất dùng cho sản xuất nông nghiệp.
Cao ủy phụ trách thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) P.Mandenson cho biết, WTO sẽ thúc ép các nước sản xuất lương thực duy trì xuất khẩu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực.
Các nước thành viên Sáng kiến Boliva cho châu Mỹ (ALBA) gồm Venezuela, Cuba, Nicaragua và Bolivia, đã ký một hiệp định về an ninh lương thực. ALBA cam kết thành lập một quỹ chung có vốn ban đầu là 100 triệu USD để tăng cường sản xuất gạo, lúa mì... và thành lập một mạng lưới kinh doanh lương thực trong ALBA.
Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Trung Mỹ, Cuba, Haiti, CH Dominicana và Venezuela, ngày 26-4 vừa qua đã gặp nhau tại Thủ đô Managua của Nicaragua trong một "cuộc họp khẩn cấp" để thảo luận biện pháp đối phó với cơn bão giá lương thực.
Nhiều nước đã đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Thí dụ, Malaysia đã công bố một kế hoạch trị giá 1,3 tỷ USD bằng cách lập các kho dự trữ, tăng sản lượng gạo và kiềm chế lạm phát; một số cửa hàng lớn ở Mỹ đã bắt đầu áp dụng chế độ bán gạo theo định lượng nhằm ngăn chặn tình trạng khách mua dự trữ mặt hàng này.
An ninh lương thực là vấn đề của cả cộng đồng quốc tế. Cùng chung tay đẩy lùi cuộc khủng hoảng lương thực là trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng "cơn sốt giá lương thực" có thể "hạ nhiệt" khi các vụ thu hoạch sắp đến trong vài tuần tới. Indonesia và Bangladesh cho biết, vụ mùa này có thể bội thu.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay "đánh thức" sự bắt đầu của việc chú trọng cần phải tăng sản lượng lương thực một cách bền vững. Giám đốc điều hành ADB mới đây nhấn mạnh: "Chúng ta phải chấp nhận thực tế là kỷ nguyên lương thực giá rẻ đã qua".