Nam Phi: Bạo lực nhằm vào người nước ngoài

09:45, 23/05/2008

Đến nay, số người thiệt mạng trong làn sóng bạo lực nhằm vào người nhập cư nước ngoài ở Nam Phi đã lên tới 32 người và khoảng 6.000 người đã phải ẩn náu tại các đồn cảnh sát và nhà thờ. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 250 người liên quan đến các vụ tấn công và cướp phá.

Làn sóng bạo lực bài ngoại bắt đầu nổ ra từ đầu tuần trước tại các khu vực nghèo nhất của Giô-ha-ne-xbớc khi một nhóm quá khích, được trang bị dao rựa và súng, tấn công những người nước ngoài, đặc biệt là người Dim-ba-bu-ê, với lý do họ “phạm tội và cướp việc làm” của người bản xứ. Những ngày qua, các băng nhóm người Nam Phi đi lại lùng sục quanh các khu dân cư ở Giô-ha-ne-xbớc nhằm tìm kiếm người nước ngoài và cướp bóc, đốt phá cửa hàng của họ.

 

Theo BBC, trung tâm thủ đô tài chính Giô-ha-ne-xbớc trông giống như một bãi chiến trường. Sau Giô-ha-ne-xbớc, bạo lực đã lan ra nhiều thành phố khác của Nam Phi với tính chất phức tạp hơn. Tâm lý bài ngoại đang gia tăng và vượt khỏi tầm kiểm soát của cảnh sát khiến nhiều người lo ngại về khả năng phát sinh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (A-pac-thai) kiểu mới ở Nam Phi.

 

Rõ ràng, bạo lực đang làm xấu đi hình ảnh của Nam Phi trong nỗ lực xây dựng một “nhà nước đa sắc tộc”. Theo các thống kê mới nhất, dân số của Nam Phi là 49 triệu, trong đó có khoảng 5 triệu người nhập cư nước ngoài, chủ yếu đến từ Dim-ba-bu-ê, Mô-dăm-bích và Ni-giê-ri-a. Tuy nhiên, họ bị “đổ tội” là nguyên nhân gây ra những bất ổn trong xã hội Nam Phi như: thiếu nhà ở, thất nghiệp và tội phạm.

 

 Nam Phi hiện vẫn còn 1/3 dân số sống trong cảnh nghèo khổ, thậm chí là quá khổ. Thất nghiệp đang đe dọa cuộc sống của 30% số dân. Đây là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới. Các nhà tù ở Nam Phi luôn quá tải. Chênh lệch giàu - nghèo quá lớn trong xã hội Nam Phi đang làm gia tăng sự phân biệt và bất mãn trong xã hội. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo, nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, Nam Phi khó có thể thoát được bóng ma ám ảnh thời A-pac-thai.

 

 Rất nhiều chính khách Nam Phi đã lên án các hành động bạo lực nói trên. Tổng thống Nam Phi Tha-bô Mơ-bê-ki tuyên bố đây là hành động sai trái, không thể chấp nhận tại Nam Phi và yêu cầu thành lập Ủy ban điều tra về việc này. Đến nay, tình hình đã tạm yên ắng nhưng lo ngại trước làn sóng bài ngoại có thể tái diễn, Tổng thống T.Mơ-bê-ki đã quyết định thành lập một ủy ban gồm đại diện các bộ an ninh, tình báo, phát triển xã hội, quốc phòng và phủ tổng thống để xử lý tình hình.

 

 Có ý kiến cho rằng Chính phủ Nam Phi đã không nhận thức đầy đủ vấn đề này để ngăn chặn kịp thời, vì nguyên nhân bùng phát các cuộc tấn công nhằm vào người nước ngoài là hậu quả của sự bất bình trong dân chúng trước tình trạng khó khăn, thiếu việc làm và người nhập cư tràn lan.