Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn mở màn, chuyến thăm các nước lớn ở Tây Âu của Tổng thống Bush vào tuần này được coi như một chuyến thăm từ biệt và phần nào bị lu mờ.
Nhiều người và các chính phủ ở châu Âu sẽ dồn sự quan tâm của họ vào Thượng nghị sĩ Barack Obama của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa, khi châu Âu hy vọng những điều tốt đẹp hơn từ vị tổng thống Mỹ kế tiếp.
Một cuộc thăm dò của tờ Daily Telegraph, Anh, vào cuối tháng 5, cho thấy tại Anh, Pháp, Đức và Nga, ngày càng có nhiều người coi Mỹ là một thế lực xấu xa hơn là tốt đẹp. Chỉ duy nhất ở Italia, hình ảnh của Mỹ mới tốt hơn.
Và 52% người dân ở 5 quốc gia châu Âu này mong Thượng nghị sĩ Barack Obma trở thành tổng thống kế tiếp của Mỹ. Xu hướng này chỉ ra rằng tâm trạng ở châu Âu là tâm trạng mong muốn sự thay đổi mặc dù các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có quan điểm tích cực hơn về chính quyền Bush so với các nước Tây Âu.
Chuyến thăm châu Âu lần này của ông Bush chủ yếu diễn ra tại các thủ đô Tây Âu, mặc dầu ông sẽ bắt đầu chuyến thăm bằng việc tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên Mỹ-EU tại
Những vị tổng thống sắp mãn nhiệm có xu hướng công du vòng quanh thế giới để chào tạm biệt và các nước chủ nhà lịch thiệp có xu hướng không nhấn vào những sự bất đồng mà chỉ nhằm vào các mối quan hệ mang tính lịch sử. Chuyến thăm này cũng không phải là ngoại lệ với việc các bên nhìn lại những cảm giác nồng ấm của chiến dịch cầu hàng không Berlin năm 1948 và kế hoạch Marshall mà giúp châu Âu đứng dậy sau cuộc chiến.
Nhìn lại quá khứ chẳng có gì khó. Điều quan trọng là đánh giá những vấn đề hiện tại và nhìn về tương lai.
Cuộc chiến Iraq là một sự chia rẽ trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây dương cũng như giữa các chính phủ châu Âu. Đó vẫn là một cái gai, nếu không muốn nói là một sự chia rẽ. Uy tín của chính Tổng thống Bush bị tổn hại hơn nữa bởi cuốn hồi ký của cựu thư ký báo chí Scott McClellan của ông. McClellan nói rằng chính quyền Bush đã lừa dối thế giới về Iraq bằng một ’’chiến dịch tuyên truyền chính trị’’.
Tại nhiều Thủ đô của châu Âu, cuộc chiến Iraq được coi là một sai lầm mang tính lịch sử mặc dù giờ người ta sẵn sàng chấp nhận rằng đã vớt vát được một thứ gì đó từ cuộc chiến này. Khi tình hình Iraq được cải thiện, bầu không khí xuyên Đại Tây dương cũng đã tốt hơn trước.
Các lãnh đạo châu Âu muốn nghe rằng nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo, Cuba, sẽ bị đóng cửa và Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào mà có thể bị coi là tra tấn. Tuy nhiên, việc này phải đợi vị tổng thống kế tiếp.
Sẽ có một số vấn đề quan trọng khác cần được thảo luận, trong đó có lời kêu gọi của Mỹ tăng cường trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân và lời kêu gọi châu Âu bắt kịp Mỹ về các khoản tài trợ cho những vấn đề y tế thế giới.
Một thất vọng khác là một nhà nước Palestine mà ông Bush trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên ủng hộ vẫn chưa trở thành hiện thực. Ông Bush nói hồi tháng 1/2008: ’’Tôi tin tưởng rằng với sự giúp đỡ đúng đắn, nhà nước Palestine sẽ chào đời. Tôi tin điều này có thể và sẽ diễn ra, rằng sẽ có một hiệp định hòa bình được ký kết vào lúc tôi mãn nhiệm’’. Ông Bush mãn nhiệm vào ngày 20/1/2009.
Ngoài Iraq và Trung Đông, nơi hy vọng về dân chủ của ông Bush bị sa lầy, vấn đề lớn hơn là Mỹ và châu Âu sẽ hướng tới đâu. Dường như vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề này.
Sự thật là bản thân EU dường như không biết khối này sẽ về đâu. Sự thật là các chính phủ EU vẫn giữ lại quyền quyết định các chính sách đối ngoại của riêng họ. Hậu quả là sức mạnh ngoại giao của EU không tương xứng với sức mạnh kinh tế. Việc này tạo cơ hội để Mỹ có nhiều quyền tự do hành động hơn khi châu Âu bị chia rẽ.
Cuối cùng thì Mỹ và châu Âu vẫn bị ràng buộc với nhau bởi những lợi ích toàn cầu, trong đó có kinh tế và chống khủng bố quốc tế. Nato vẫn tồn tại mặc dù trong một châu Âu lý tưởng, sẽ không cần có Nato. Trong tương lai, châu Âu sẽ có một chính sách quốc phòng chung và Pháp sẽ thúc đẩy tiến trình này trong suốt thời gian làm chủ tịch EU, bắt đầu từ tháng 7 tới. Và vấn đề này cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của tổng thống kế tiếp của Mỹ.