Liên hợp quốc sẽ cung cấp thêm 1,2 tỉ USD viện trợ lương thực cho 75 triệu người ở 60 quốc gia gặp khó khăn nhất vì giá lương thực leo thang.
Cũng tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon đã kêu gọi những chính sách khẩn cấp của cộng đồng quốc tế về vấn đề sản xuất nhiên liệu sinh học. Theo ông Ban, thế giới mỗi năm cần 15-20 tỉ USD để thúc đẩy sản lượng lương thực nhằm đối phó với nghèo đói.
Giá lương thực đã đạt mức cao nhất trong 30 năm trở lại đây, gây ra nhiều vụ bạo động và biểu tình ở một số nước. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện tại được cảnh báo là sẽ đẩy 100 triệu người vào cảnh đói nghèo.
Trong một cuộc họp báo, ông Sheeran nhấn mạnh, trừ phi quốc tế hành động nhanh chóng, nếu không số người lâm vào cảnh đói khổ sẽ tăng lên gấp đôi. ’’Với sự tăng vọt của giá lương thực và nhiên liệu, nghèo đói mỗi ngày một tiến lại gần và chúng ta phải hành động ngay bây giờ’’, ông nói.
Viện Nghiên cứu chính sách Lương thực quốc tế thống kê rằng, nhiên liệu sinh học đứng đằng sau việc giá cả lương thực toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định nhiên liệu sinh học chỉ chịu trách nhiệm 2-3% tăng giá.
Tại hội nghị, phụ trách Ngân hàng thế giới, Robert Zoellick, đã kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thương mại vốn đang góp phần vào lạm phát giá lương thực. "Chúng ta cần kêu gọi quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu và các hạn chế thương mại khác’’, ông Zoellick cho biết.
Cũng trong ngày 4/6, Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf thông báo, Ngân hàng phát triển Hồi giáo sẽ viện trợ 1,5 tỉ USD cho nông dân ở những nước nghèo nhất thế giới. Hội nghị thượng đỉnh lương thực do FAO tổ chức sẽ kết thúc vào ngày mai.