Lương thực: Vấn đề nóng trong các hội nghị thượng đỉnh

15:42, 02/06/2008

Hôm nay (3/6), các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng tham gia một hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày, để tìm ra cách đối phó với giá lương thực gia tăng và trợ giúp hàng triệu người trong cuộc chiến chống đói nghèo.  

Đảm bảo lương thực là tâm điểm của Hội nghị Rome

 

Hội nghị thượng đỉnh tại Rome, Italia do Chương trình Nông lương LHQ (FAO) chủ trì diễn ra đúng vào thời điểm thế giới đang đối mặt với giá lương thực tăng vọt.

 

Hàng hóa nông nghiệp tăng mạnh trong hai năm qua và tiếp tục gia tăng từng ngày, đặc biệt trong ba tháng đầu năm 2008, điển hình như gạo, ngũ cốc, bột mỳ đều đạt mức giá cao kỷ lục. Giá lương thực leo thang làm nảy sinh nhiều cuộc bạo động, biểu tình ở một số quốc gia và khiến 850 triệu người vốn đã nghèo đói lại lâm vào tình trạng tồi tệ hơn.

 

Tuần trước, một báo cáo do FAO và Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng, giá lương thực sẽ vẫn ở mức cao trong thập niên tới cho dù có thể giảm đôi chút so với thời kỳ đỉnh điểm hiện nay.

 

Cuộc gặp cấp cao ở Rome sẽ có sự tham dự của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và khoảng 40 lãnh đạo các nước, là phản ứng đầu tiên mang tính toàn cầu với tình hình giá lương thực hiện nay, nhằm tăng cường viện trợ cho các nước nghèo trong giai đoạn ngắn hạn, đồng thời đưa ra các chiến lược dài hạn đảm bảo sản xuất lương thực.

 

Trong một bài phát biểu với Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) hôm qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo, thế giới đang ở trong ’’tình hình báo động’’, do giá lương thực tăng vọt vì thiếu sự đầu tư thích hợp vào nông nghiệp. "Trong nhiều năm, giá lương thực giảm sút, đồng thời sản lượng lại gia tăng khiến thế giới trở nên thỏa mãn’’, ông Ban nói. "Và giờ đây, ai cũng đều hiểu rằng, chúng ta đang ở trong tình hình đáng báo động. Các chính phủ cần phải kiểm soát việc đầu tư vào nông nghiệp’’. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh, vấn đề lương thực sẽ khởi nguồn cho nhiều cuộc khủng hoảng khác, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và thậm chí là an ninh chính trị ở khắp thế giới.

 

Ông Ban cũng kêu gọi các nước phát triển mở cửa thị trường cho những sản phẩm nông nghiệp đến từ nhiều quốc gia đang phát triển, bỏ trợ cấp nông nghiệp... Các quốc gia đang phát triển vẫn luôn chỉ trích chính sách bảo hộ nông nghiệp từ châu Âu và Mỹ làm bóp méo thị trường, ảnh hưởng tới chính người nông dân.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Tài chính, Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf, đã thúc giục những nước giàu tăng cường viện trợ nông nghiệp lên 30 tỉ USD/năm để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Giá lương thực đang ở mức cao nhất trong 25 năm sẽ khiến các nước phải đưa ra những khuyến khích kinh tế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều này không chỉ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn làm tăng gấp đôi sản lượng lương thực vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu khi dân số thế giới gia tăng từ 6 tỉ người lên 9 tỉ người.

 

Trong báo cáo chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về lương thực, FAO cho hay, với tình hình giá lương thực hiện tại, việc cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho những nước nghèo đói, khôi phục sản xuất nông nghiệp và hồi sinh cộng đồng nông thôn là các nhân tố cơ bản để giảm nghèo và cải thiện tình hình hiện tại. Tổ chức này cũng kêu gọi các nước áp dụng những biện pháp thúc đẩy sản xuất lương thực địa phương, bao gồm phân phối cho nông dân quy mô nhỏ hạt giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi và các nguyên vật liệu đầu vào cần thiết, thậm chí là những khoản trợ cấp phù hợp.

 

Một tâm điểm khác trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh còn là đảm bảo an ninh lương thực với những nước nghèo chịu tác động của thay đổi khí hậu và sản xuất nhiên liệu sinh học.

 

Lương thực cũng là vấn đề trọng tâm tại G8

 

Giá lương thực cũng sẽ là tâm điểm chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra ở Hokkaido (Nhật Bản) từ 7-9/7 tới. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản, Yasuo Fukuda hôm 2/6, Thủ tướng Anh Gordon Brown tuyên bố, hai bên nhất trí cho rằng, giá lương thực tăng mạnh là vấn đề toàn cầu và cần đưa ra bàn bạc tại hội nghị. "Chúng ta cần mở rộng viện trợ và giúp đỡ các nước gia tăng sản lượng nông nghiệp’’, Thủ tướng Anh phát biểu.

 

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản, Yasuo Fukuda nhấn mạnh, giá lương thực gia tăng là ’’vấn đề quốc tế khẩn cấp’’ và là ’’vấn đề đa diện đòi hỏi hành động đối phó đa diện’’. 

 

Các lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ cùng làm việc để đưa ra kế hoạch dài hạn nhằm tăng sản xuất lương thực và nông nghiệp, đặc biệt ở những nước đang phát triển.