Pháo đài đỏ: Biểu tượng độc lập của Ấn Ðộ

07:59, 04/06/2008

Pháo đài đỏ (Red Fort) còn gọi là Lal Qila nằm ở trung tâm New Delhi, bên bờ sông Yamuna. Ngày 15-8-1947, Quốc kỳ của CH Ấn Ðộ tung bay lần đầu trên pháo đài. Từ đó, Pháo đài đỏ được tượng trưng cho nền độc lập của nước này.

Pháo đài có tường vây chung quanh cao 16 m xây bằng sa thạch mầu đỏ, dài 2,5 km cách bờ sông 33 m. Cung điện được xây dựng bằng những vật liệu quý báu.

 

Thế kỷ 17, Pháo đài đỏ được mệnh danh là thiên đường trên mặt đất. Thành trì do đại đế Shah Jahan vương triều Mughal xây dựng từ năm 1638 đến năm 1648. Là trung tâm của Thủ đô Shah Jahanabad, TP Hồi giáo thứ bảy chung quanh Delhi, sau khi Shah Jahan dời đô từ Agra (nơi có Taj Mahal nổi tiếng) về Delhi. Pháo đài đỏ là sự kết hợp tinh túy của ba trường phái kiến trúc: Kiến trúc Ấn Ðộ, Hồi giáo Iran và kiến trúc phương Tây.

 

Thành lũy nổi tiếng về sự sang trọng với đá hoa cương, vàng bạc và một khối lượng lớn châu báu xây thành. Nhiều năm qua đi, các vật báu không tránh khỏi mất mát, số cung điện xây dựng đầu tiên cũng bị hủy hoại, nhưng dấu vết thành trì còn lại đến bây giờ vẫn để lại những ấn tượng sâu sắc đối với thời kỳ toàn thịnh của đế quốc Mughal.

 

Bất kỳ cung đình hoàng triều Mughal nào cũng đều có cung thiết triều đặc sắc riêng. Một nơi dân chúng triều kiến hoàng đế, ở đó hoàng đế lắng nghe lời thỉnh cầu và nguyện vọng; ở một nơi khác hoàng đế cùng đại thần bàn việc và tiếp kiến sứ giả ngoại quốc. Hai nơi này trong Pháo đài đỏ hiện vẫn còn. Nơi đầu tiên gọi là cung thiết triều, xây dựng trên một nền cao, ba mặt có cửa thông đến đình viện, có chỗ cho rất nhiều người. Nơi sau gọi là cung Khu mật, từng có sân vườn rộng, mặt đường lát đá cẩm thạch, mái nhà đúc bằng bạc, bên trong có "ngai vua Chim Công" do Shah Jahan tìm thầy thợ nổi tiếng thiết kế, xây dựng. Một công trình tốn kém, với lượng châu báu chạm khảm nhiều đến mức không thể đếm xuể.

 

Mới đầu trong Pháo đài đỏ có sáu cung điện. Cung Mumtazi giờ đây là viện bảo tàng. Cung Long với những tranh vẽ như mái nhà chế bằng bạc, đã bị mất gần hết. Cung Kát là dãy phòng riêng dành cho hoàng đế sử dụng, thêm ba gian chia làm nhà ăn, nhà ngủ và nhà cầu nguyện. Con trai Shah Jahan, Aurangzeb dựng thêm chùa Hồi giáo trân châu Moti vô cùng tinh xảo.

 

Năm 1857, binh lính người Ấn lấy Pháo đài đỏ làm sở chỉ huy tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang chống quân Anh, đòi độc lập. Quân Anh, đánh chiếm được pháo đài phá hủy tới bốn phần năm số cung điện, vườn tược và công trình kiến trúc. Năm 1903, Pháo đài đỏ lần đầu được tiến hành phục chế lại một phần.

 

Tháng 12-2000, nhóm Lashkar-e-Toiba (có căn cứ tại vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát) tiến hành vụ khủng bố làm hai binh sĩ và một dân thường chết. Vụ khủng bố tòa nhà QH ở New Delhi đã đẩy Ấn Ðộ và Pakistan đến bờ vực một cuộc chiến tranh thứ tư vì biểu tượng của nền độc lập bị xâm hại.

 

Pháo đài đỏ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là di sản thế giới, là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước ở Thủ đô New Delhi, Ấn Ðộ.