Mông Cổ đã bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia được áp đặt sau vụ bạo động bầu cử ở thủ đô Ulan Bator cùng với lời kêu gọi bình tĩnh của Tổng thống.
"Chúng ta có thể thảo luận mà không gây ra bạo lực. Tất cả mọi người phải vì đất nước. Nếu bạn nghĩ rằng có điều gì không đúng, bạn có thể thảo luận một cách hoà bình".
Tình trạng khẩn cấp kéo dài 4 ngày lần lần đầu tiên được áp dụng tại Mông Cổ sau khi các cuộc biểu tình diễn ra và trụ sở chính của đảng Cách mạng nhân dân Mông Cổ (MPRP) bị phóng hoả. MPRP đã thắng cử trong cuộc bỏ phiếu vừa qua.
Thủ tướng Sanjagiin Bayar tối qua tuyên bố, chính phủ sẽ tiến hành những bước có thể để ngăn chặn bất ổn tái diễn. "Chúng ta không nên giải quyết khủng hoảng bằng giao chiến, chúng ta nên bàn bạc với nhau và giải quyết vấn đề bằng pháp lý", quan chức này cho biết tại một buổi họp báo.
Ulan Bator hôm 6/7 vẫn yên bình nhưng nhiều người vẫn lo ngại bất ổn tái diễn.
Lãnh đạo của các đảng phái có mâu thuẫn trước đó đã gặp nhau để giải quyết bất đồng, ông Yondon Otgonbayar, tổng thư ký của MPRP nói. Theo ông Yondon, tổng thư ký các đảng đã quyết định gặp nhau vào Chủ nhật (6/7) để xem xét những vấn đề gây bất bình và quyết định vấn đề nào đáng để theo đuổi. "Ít nhất là MPRP vẫn vui khi thấy rằng các cuộc thảo luận sẽ diễn ra và mọi người đều cố gắng tìm ra một giải pháp".
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng MPRP đã đánh cắp phiếu của đối thủ là đảng Dân chủ, đây chính là cáo buộc gây ra bạo lực tại Mông Cổ hôm 1/7.
"Tôi thấy rằng sẽ có nhiều cuộc biểu tình nữa vì cuộc bầu cử không công bằng và trung thực", Bayanbat Ganba, một nhân viên ngân hàng 21 tuổi nói.
Một công dân khác là Naraa Baatar, 19 tuổi nói: "Đó là thời điểm quan trọng, chính trị không ổn định và nếu biểu tình lại xảy ra, có nhiều người sẽ bị thương hoặc mất mạng".
Một số người lại hy vọng rằng tuyên bố chung giữa các đảng hôm 4/7 sẽ làm giảm căng thẳng. Tuyên bố chung giữa các bên phản đối bạo lực tái diễn và cam kết giải quyết bất đồng một cách hoà bình.
Ngoại trưởng Sanjaasuren Oyun trước đó nói, bà nghĩ rằng tuyên bố chung sẽ ngăn chặn bạo động tiếp tục nổ ra dù nó không thể cản việc các chính trị gia tranh cãi về cuộc bầu cử gây bất đồng.
Quan điểm của bà ngoại trưởng được nhiều cư dân Ulan Bator hưởng ứng.
"Chúng ta có quá nhiều bất đồng và hàng loạt vấn đề phải giải quyết nhưng tôi không nghĩ rằng biểu tình sẽ tái diễn" Tulga Mendee, một người về hưu nói. Cư dân này cho biết, ông bị sốc vì vụ bạo lực tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu ghế trong số 76 ghế ở Quốc hội đang bị tranh cãi. Tuy nhiên, luật Mông Cổ quy định, phải có ít nhất 57 nghị sĩ để Quốc hội hoạt động bình thường, bà Oyun cho hay.