VN hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an

07:53, 31/07/2008

Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam, đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định trên cả 2 cương vị là đại diện quốc gia và là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 7/2008, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân dịp kết thúc một tháng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Đại sứ Lê Lương Minh, cho biết việc Việt Nam đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trong tháng qua trên cả hai cương vị trước hết là nhờ quá trình chuẩn bị tốt cả về nhân sự, kiến thức và học hỏi kinh nghiệm.

 

Theo Đại sứ, ngay từ khi trúng cử vào Hội đồng Bảo an tháng 10/2007, đồng thời với việc chuẩn bị tham gia công việc của Hội đồng, Việt Nam đã có lộ trình và sớm bắt tay vào việc chuẩn bị cho công tác tháng 7/2008 giữ chức chủ tịch luân phiên.

 

Bên cạnh đó, cơ chế chỉ đạo của trong nước đối với cơ quan đại diện cũng như cơ chế thông tin, phối hợp giữa trong và ngoài nước, giữa các cơ quan đại diện ngoài nước đóng vai trò hết sức quan trọng.

 

Việc Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trực tiếp điều hành cuộc thảo luận mở về chủ đề trẻ em và xung đột vũ trang được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam với kết quả tích cực được các nước thành viên và dư luận đánh giá cao. Ngoài ra cũng phải kể đến hoạt động tích cực của các cơ quan truyền thông trong nước và tại địa bàn giúp nhân dân trong nước và dư luận quốc tế nắm bắt và ủng hộ công việc của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an.

 

Đại sứ Lê Lương Minh cho biết công việc tháng 7 năm nay của Hội đồng Bảo an nặng hơn bất cứ tháng nào từ đầu năm kể từ khi Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an, nếu nói cả về khối lượng lẫn mức độ phức tạp.

 

Trong tháng 7/2008, Hội đồng Bảo an đã thảo luận và thương lượng về một loạt vấn đề định kỳ, thường xuyên liên quan hoạt động của các phái bộ của Liên hợp quốc tại Cote d'voire, Cộng hòa Trung Phi và Sát, Tây Phi, Sudan bao gồm cả Darfur, Eritrea và Ethiopia, Gruzia, Kosovo, Afghanistan và Nepal.

 

Cũng trong tháng này, Chủ tịch Hội đồng Bảo an phải hoàn thành báo cáo về công việc của Hội đồng một năm qua kể từ ngày 1/8/2007 để đệ trình Đại Hội đồng Liên hợp quốc xem xét tại khóa họp thường niên sắp tới của Đại hội đồng. Ngoài ra theo yêu cầu của một số nước thành viên, Hội đồng Bảo an đã phải xử lý một số vấn đề đột xuất như tình hình bất ổn định, gia tăng bạo lực tại Zimbabwe, tình hình Myanmar.

 

Trong tháng 7 năm nay, theo ý kiến của Việt Nam, Hội đồng Bảo an tổ chức 2 cuộc thảo luận mở quan trọng về vấn đề "Trẻ em và xung đột vũ trang" và vấn đề Trung Đông.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tháng 7 năm nay, Hội đồng Bảo an họp 40 cuộc cấp đại sứ, kể cả họp chính thức và tham vấn kín, thông qua 6 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết gia hạn sứ mệnh của các phái bộ của Liên hợp quốc tại Cote d'voire, Darfur, Nepal, chấm dứt sứ mệnh của phái bộ Liên hợp quốc tại Eritrea và Ethiopia và của Ủy ban trừng phạt về Rwanda, gia hạn thẩm quyền của các thẩm phán Tòa án Hình sự quốc tế về Rwanda.

 

Hội đồng Bảo an cũng thông qua 3 tuyên bố chủ tịch về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang, về cuộc tấn công nhằm vào Phái bộ hỗn hợp của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID) và về tình hình Afghanistan; thông qua 5 tuyên bố báo chí lên án các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các cơ quan ngoại giao, dân thường, binh sĩ gìn giữ hòa bình và nhân viên Liên hợp quốc cũng như nhân viên cứu trợ nhân đạo.