Liên minh cầm quyền Pakistan nhất trí luận tội Tổng thống

08:12, 07/08/2008

Liên minh cầm quyền Pakistan do đảng của cựu Thủ tướng Bhutto đứng đầu hôm 7/8 đã nhất trí bắt đầu tiến trình luận tội Tổng thống Musharraf - một động thái chắc sẽ làm cho bất ổn chính trị tại quốc gia Hồi giáo này thêm sâu sắc.

Ông Zardari, Chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan và ông Sharif thuộc đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan đã tuyên bố quyết định trên tại một cuộc họp báo vào tối 7/8 ở Islamabad. Để luận tội Tổng thống cần có sự ủng hộ của 2/3 đại biểu quốc hội và liên minh cầm quyền đang chiếm đa số ghế trong quốc hội.

 

Quyết định chống Musharraf - một đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - gần như chắc sẽ khiến quốc gia có vũ khí hạt nhân này rơi vào một thời kỳ bất ổn chính trị mới trừ khi ông Musharraf quyết định lặng lẽ ra đi.

 

Lên cầm quyền thông qua một cuộc đảo chính cách đây 9 năm, Tổng thống Musharraf ngày càng không được lòng dân và đã mất đi sự ủng hộ tại quốc hội sau khi các đồng minh của ông thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử tháng 2/2008. Tuy nhiên, ông Musharraf đã bác bỏ những lời kêu gọi ông từ chức.

 

Liên minh cầm quyền do chồng của bà Bhutto là ông Asif Ali Zardari đứng đầu, đã thảo luận về số phận của Tổng thống Pakistan kể từ hôm 5/8 tới nay. Mặc dù ông Musharraf chưa đưa ra bình luận nào về động thái luận tội ông song các đồng minh của ông cho biết ông sẽ chống lại quyết định này.

 

Phản ứng của quân đội Pakistan trước viễn cảnh ra đi trong tủi hổ của ông Musharraf sẽ có ý nghĩa quan trọng. Các tư lệnh quân đội nước này đã nhóm họp tại thành phố quân sự Rawalpindi, gần Islamabad, hôm 7/8, song một quan chức quân đội giấu tên cho biết ’’đó là một cuộc họp thông thường’’. ’’Cuộc họp sẽ tiếp tục vào ngày thứ sáu mà trong đó họ sẽ thảo luận các vấn đề liên quan tới việc thăng chức cho các sĩ quan cấp cao’’.

 

Tháng 11/2007, ông Musharraf đã trao quyền chỉ huy quân đội cho Tướng  Ashfaq Kayani - một cựu giám đốc cơ quan tình báo liên ban của Pakistan. Kể từ khi nhậm chức, ông Kayani đã cố tách quân đội khỏi chính trị song ông vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Tổng thống.