Thái Lan cải tổ Nội các

16:12, 02/08/2008

Được sự phê chuẩn của Quốc vương Thái Lan, Nội các của Thủ tướng Samak Sundaravej đã có một khuôn mặt mới sau khi sắp xếp lại nhân sự.

Trong nửa năm qua, Nội các của Thủ tướng Sundaravej đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công về chính trị, các cuộc chiến pháp lý, hàng loạt những cuộc biểu tình trên đường phố và sự tụt giảm về kinh tế.

 

Cả những người ủng hộ lẫn phản đối đều đang theo dõi cách thức tân Nội các chèo lái đất nước vượt qua khó khăn nếu không muốn rời nhiệm trước thời hạn.

 

Quyết định cải tổ Nội các được tiến hành chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo đảng Puea Pandin thông báo rút khỏi liên minh cầm quyền và chỉ một tháng sau khi Chính phủ vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

 

Một số bộ trưởng ưa tranh luận dường như đã được đưa ra khỏi danh sách và các luồng sinh khí mới được bơm vào có thể đưa chính phủ của Thủ tướng Sundaravej lên một vị thế tốt hơn.

 

Trong số những gương mặt quan trọng được chọn, cựu chỉ huy cảnh sát quốc gia, Tướng Kowit Watana, được bổ nhiệm vào vị trí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 

Kowit, một đồng minh thân thiết của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã thôi chức chỉ huy lực lượng cảnh sát ngay sau khi ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không máu đổ năm 2006.

 

Sự trở lại nắm quyền của ông Kowit – như một số người chỉ trích – là một dấu hiệu quan trọng về các chính sách tương lai của chính phủ. Vì lẽ rằng, lực lượng cảnh sát hiện được đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, nên với uy tín của mình, Kowit có thể giúp thắt chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với họ.

 

Vị tướng này hiện đang phải đối mặt với một phán quyết của tòa án chống lại ông và từng bị Tòa án Tội phạm kết án tù treo. Tuy nhiên, Văn phòng Nội các khẳng định với Văn phòng Thư ký Quốc vương rằng họ không thấy có cơ sở pháp lý nào ngăn cản Kowit lên nắm giữ chức vụ mới.

 

Tiếp đến, Chaiya Sasomsa được chỉ định vào vị trí đứng đầu Bộ Thương mại, thay thế cựu Bộ trưởng Mingkwan Saengsuwan.

 

Ông Saengsuwan đã bị công kích nặng nề trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội do quản lý yếu kém đối với các vấn đề lạm phát và giá cả.

 

Năm thành viên khác của Nội các cũng bị thay thế. Đó là Bộ trưởng Nội vụ Chalerm Yoobamrung, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công nghiệp Suwit Khunkitti (chủ tịch Đảng Puea Pandin), Thứ trưởng Tài chính Ranongrak Suwanchawee cùng Thứ trưởng Nội vụ Sithichai Kowsurat (cũng thuộc đảng Puea Padin) và Thứ trưởng Thương mại Wiroon Techapaiboon.

 

Mới đây, ông Suwit Khunkitti tuyên bố rút Đảng Puea Pandin khỏi chính phủ liên minh nhưng đa số các thành viên của đảng này trong Quốc hội sau đó đã đảo ngược quyết định.

 

Bốn người thuộc Puea Pandin hiện đang có tên trong tân Nội các. Man Patanotai giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Công nghệ truyền thông và sẽ kiêm nhiệm thêm chức Phó Thủ tướng, một vị trí bỏ trống sau khi ông Suwit ra đi.

 

Ba người còn lại là Prasong Kositanon, giữ chức Thứ trưởng Nội vụ; Phichai Nariptaphan làm Thứ trưởng Tài chính và Pichet Tancharoen đảm đương chức Thứ trưởng Thương mại.

 

Quyết định cải tổ nội các - chỉ yếu do Thủ tướng Samak thực hiện – cho thấy lợi ích của những người không rút khỏi chính phủ liên minh.

 

Chính phủ liên minh sáu đảng đã đứng trước nguy cơ tan vỡ sau tuyên bố rút lui của ông Sumit. Nếu thêm một số đảng nữa theo chân lãnh đạo đảng Puea Pandin này, Thủ tướng Samak sẽ phải giải tán quốc hội, biện pháp duy nhất để tránh cho chính phủ bị sụp đổ hoàn toàn.

 

Tuy nhiên, cải tổ không nhất thiết có nghĩa sẽ nâng cao sự tín nhiệm đối với chính phủ.

 

Vào hôm 1/8, một tổ chức dân sự chống chính phủ - Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) – đã tiếp tục biểu tình bằng cách tuần hành tới Tượng đài Dân chủ ở Bangkok. Liên minh này tuyên bố mục tiêu của họ là lật đổ chính phủ Samak.

 

PAD còn doạ sẽ bao vây tòa nhà Quốc hội nếu chính phủ vẫn quyết tâm sửa đổi Hiến pháp.

 

Các đây một tuần, PAD và một nhóm ủng hộ chính phủ đã đụng độ trong một cuộc tuần hành ở một tỉnh đông bắc Thái Lan, làm bị thương hơn hai chục người biểu tình.

 

Các cuộc biểu tình thường nhật ở Thái Lan hiện nay khiến người ta liên tưởng tới sự những diễn biến trên chính trường nước này năm 2006.

 

Kể từ tháng 1/2006, PAD đã tổ chức trên chục cuộc tuần hành rộng khắp đất nước để gây sức ép đối với chính phủ của Thủ tướng Thaksin, và các cuộc biểu tình sau đó đã dẫn tới việc Quốc hội bị giải tán và một cuộc biểu tình quân sự sau đó vào tháng 9.