Ấn Độ phóng tàu thám hiểm Mặt trăng

15:25, 21/10/2008

Tàu Chandrayaan 1 đã được phóng lên từ căn cứ vũ trụ đặt tại miền Nam bang Andhra Pradesh và sẽ thực hiện cuộc thám hiểm kéo dài hai năm.

Chiếc tàu này sẽ vào quỹ đạo Mặt trăng và ghi lại các hình ảnh ba chiều của bề mặt hành tinh này cũng như tìm hiểu phân bổ các khoáng chất tại đây.

 

Việc phóng tàu Chandrayaan được coi như bước tiến lớn của Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh trên không trung với các quốc gia châu Á khác.

 

Các khoa học gia tại trung tâm vũ trụ đã hò reo vui mừng khi chiếc tên lửa do Ấn Độ sản xuất chở vệ tinh nặng một tấn rưỡi phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota lên không trung lúc 0650 giờ địa phương (0050 GMT).

 

Vệ tinh của Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Ấn Độ được trang bị một tấm phát điện năng lượng mặt trời công suất 700 watt, trên mang năm thiết bị do Ấn Độ sản xuất và sáu thiết bị do nước ngoài sản xuất.

 

Cuộc thám hiểm này tốn kém khoảng 3,8 tỷ rupees (78 triệu đôla).

 

Thám hiểm mặt trăng

 

Tàu thám hiểm mang số hiệu C1XS sẽ phân tích các thành phần trên vỏ Mặt trăng để giúp trả lời các câu hỏi quan trọng về sự hình thành và phát triển của hành tinh này.

 

Các nhà nghiên cứu nói hàm lượng magnesium và sắt cao trong đá của Mặt trăng có thể giúp khẳng định rằng hành tinh này đã từng được biển magma che phủ.

 

Thiết bị đặt trên vệ tinh cũng sẽ tìm kiếm các thành phần hóa chất hiếm khác trên bề mặt Mặt trăng, thí dụ titanium. Chất này đã được tìm thấy trong các sao băng của Mặt trăng, nhưng người ta còn chưa biết nhiều về hiện diện của nó trong vỏ hành tinh.

 

Tàu Chandrayaan cũng sẽ tìm hiểu về sự khác biệt giữa các phía của Mặt trăng, vì phía xa Trái đất có nhiều lồi lõm hơn là phía gần.

 

Chandrayaan sẽ vào một quỹ đạo gần như hình tròn ở độ cao 1.000km. Sau khi kiểm tra lại thiết bị, vệ tinh này sẽ giảm độ cao cho tới khi còn cách bề mặt Mặt trăng chừng 100km.

 

Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang muốn tham gia kinh doanh vệ tinh thương mại và coi chương trình vũ trụ của mình là biểu tượng cho vị thế của dân tộc và phát triển kinh tế.

 

Tháng trước, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới thực hiện đi ngoài không gian.

 

Tuy nhiên một số người dân Ấn Độ tỏ ra không hào hứng lắm về các nỗ lực của chính phủ, coi chương trình vũ trụ là khoản chi tốn kém trong khi hàng triệu người trong nước còn đang thiếu các dịch vụ cơ bản nhất.