Mỹ, Ấn Độ ký thoả thuận hạt nhân lịch sử

09:52, 10/10/2008

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và người đồng cấp Ấn Độ Pranab Mukherjee hôm qua (10/10) đã chính thức đặt bút ký vào một thoả thuận hợp tác hạt nhân Mỹ-Ấn Độ mang tính lịch sử.

Theo thoả thuận này, các doanh nghiệp của Mỹ sẽ được phép bán nhiêu liệu hạt nhân, công nghệ hạt nhân cũng như các lò phản ứng hạt nhân cho phía Ấn Độ. Như vậy, thoả thuận hạt nhân Mỹ-Ấn đã chấm dứt lệnh cấm giao dịch hạt nhân với Ấn Độ kéo dài 3 thập kỷ qua của Mỹ.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, thoả thuận vừa được ký kết đã nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ không chỉ trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân mà còn trong thương mại, hợp tác quốc phòng và các lĩnh vực khác.

 

"Đây thực sự là một sự kiện có tính lịch sử," bà Rice phát biểu trong lễ ký kết thoả thuận diễn ra tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Mukherjee, người ca ngợi ngày ký kết thoả thuận là “một ngày quan trọng trong các mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ, đã phát biểu: "chúng tôi đã gặt hái được trái ngọt sau nỗ lực không biết mệt mỏi kéo dài suốt 3 năm qua của cả 2 chính phủ."

 

Ông Mukherjee bày tỏ sự tin tưởng rằng thoả thuận hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp, phát triển khu vực nông thôn của Ấn Độ cũng như giúp tất cả các khu vực khác của nền kinh tế tăng trưởng.

 

Theo tính toán của các quan chức Ấn Độ, thoả thuận hạt nhân nói trên sẽ đưa khoảng 27 tỉ USD tiền đầu tư của Mỹ vào 18 đến 20 các nhà máy hạt nhân ở Ấn Độ trong vòng 15 năm tới.

 

Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm giao dịch hạt nhân dân sự với Ấn Độ sau khi nước này lần đầu tiên thử vũ khí hạt nhân năm 1974.

 

Tháng 7/2005, chính quyền Bush đã đồng ý chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Độ để đổi lấy việc New Delhi tách rời chương trình hạt nhân dân sự và chương trình hạt nhân quân sự.

 

Hai nước đã ký kết một thoả thuận về hợp tác hạt nhân dân sự hồi tháng 3/2006, theo đó, Ấn Độ sẽ được tiếp cận với công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ với điều kiện Ấn Độ sẽ tách riêng các cơ sở hạt nhân vì mục đích dân sự ra khỏi các cơ sở có mục đích quân sự đồng thời mở cửa các cơ sở hạt nhân cho các hoạt động thanh sát.

 

Mối quan hệ kinh tế, ngoại giao chiến lược giữa Mỹ và Ấn Đồ bắt đầu khởi sắc sau khi New Delhi nhanh chóng ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Washington sau các cuộc tấn công kinh hoàng ngày 11/9/2001.