Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên thị trường

08:26, 06/10/2008

Ngày thứ Hai 6/10, Chính phủ Mỹ công bố thị trường đã ở tình trạng "cực kỳ căng thẳng" và đang cấp tốc huy động tổng lực các biện pháp trên toàn bộ các mặt trận. 

Trước tình hình thị trường chứng khoán đồng loạt giảm với tốc độ ngày càng nhanh, Tổng thống Mỹ đã một lần nữa phải xuất hiện trên truyền hình. Ông Bush tuyên bố "đạo luật giải cứu là một bước tiến lớn, tuy nhiên, cần phải có thời gian để thị trường lấy lại niềm tin và ổn định lại."

 

Nhóm công tác của Tổng thống (PWG) về thị trường tài chính ra thông báo "Tình hình các thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu đang cực kỳ căng thẳng".

 

PWG được thành lập từ lần thị trường chứng khoán suy sụp năm 1987, gồm cả Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Nhóm cho biết đang cấp tốc "huy động tổng lực trên tất cả mọi mặt trận" theo quyền được trao bởi "Luật khẩn cấp ổn định kinh tế 2008."

 

Đạo luật có tên "Khẩn cấp ổn định kinh tế 2008" chính là gói giải cứu 700 tỷ USD nổi tiếng của Mỹ, được Hạ viện thông qua vào ngày thứ Sáu 3/10 vừa qua. Luật này trao quyền cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang được toàn quyền mua lại chứng khoán và tài sản của các ngân hàng.

 

PWG cũng thông báo sẽ làm việc với các thành viên trên thị trường và các cơ quan quản lý trên toàn cầu để giải quyết các thách thức hiện tại, khôi phục niềm tin và sự ổn định cho các thị trường tài chính toàn cầu.

 

Thị trường tăng tốc xuống dốc

 

Bất chấp gói giải cứu được thông qua, ngày thứ Sáu cuối tuần qua chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống. Thị trường mở cửa ngày thứ Hai với xu thế đi xuống vẫn chưa đảo chiều. Trước đó, cả Châu Á và Châu Âu đều có một ngày đỏ rực màn hình chứng khoán, với bình quân giảm trên dưới 4% hầu khắp các thị trường.

 

Thị trường chứng khoán Nga mở cửa ngày thứ Hai với mức giảm 19,1% cho chỉ số RTS và 18,7 cho chỉ số MICEX. Đến 2 giờ chiều, tuy RTS đã hồi phục để chỉ còn giảm 11,7%, nhưng thị trường đã phải tạm ngừng giao dịch. Cùng trong ngày thứ Hai, cơ quan thống kê Nga thông báo lạm phát từ tháng Giêng 2008 đến tháng 9/2008 đã lên đến 10,6%.

 

Chỉ số Dow Jones, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Mỹ, đã giảm mất 200 điểm ngay từ lúc thị trường mở cửa, đến giữa phiên giao dịch ngày thứ Hai đã mất thêm 100 điểm, để tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

 

Cũng vào lúc mở cửa, chỉ số S&P 500 giảm 3,7%, chỉ số Nasdaq giảm 3,8%, chỉ số Russell 2000 giảm 3,8%...

 

Vào giữa phiên giao dịch ngày thứ Hai, màu đỏ đã chiếm toàn bộ các màn hình chứng khoán. Lẻ loi vài con số màu xanh của giá vàng và giá trái chiếu Chính phủ. Đó là nơi cuối cùng để các nhà đầu tư tìm chỗ trú ẩn an toàn. Giá dầu thô cũng giảm xuống dưới 90 USD/thùng.

 

Niềm tin suy giảm nghiêm trọng

 

Các nhà đầu tư bắt đầu thực sự nói đến sự tăng tốc của cuộc suy thoái toàn cầu. Họ thấy gói giải cứu 700 tỷ USD không thể là thuốc thần có tác dụng ngay, trong khi bệnh của nước Mỹ đâu chỉ ở Phố Wall: con số 159.000 việc làm giảm mất trong tháng 9/2008 là một bằng chứng.

 

Họ cũng thấy các ngân hàng Châu Âu nối tiếp nhau lâm nguy. Trong khi đó, cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của 4 nước lớn nhất Liên minh Châu Âu ngày thứ Bảy đã không đưa ra được một gói giải pháp mạnh mẽ và thống nhất như của Mỹ. Thay vào đó là những lời nói và hành động không nhất quán.

 

Tuần trước, Ireland vừa thông báo bảo hiểm toàn bộ các tài khoản tiền gửi ngân hàng thì Hy Lạp nhanh chóng theo với tuyên bố tương tự. Để ngăn dòng tiền gửi chạy sang Ireland, Anh đã phải nâng mức bảo hiểm tiền gửi từ 35.000 bảng lên 50.000 bảng. Mới ngày thứ Bảy, Thủ tướng Đức Merkel còn giận dữ lên án hành động mang tính cá thể của Ireland, thì sang ngày Chủ nhật Bộ trưởng Tài chính Đức phải công bố Đức cũng bảo hiểm toàn bộ tiền gửi ngân hàng, không hạn chế số lượng.