Tổng thư kí LHQ vạch kế hoạch thế giới phi hạt nhân

08:23, 25/10/2008

Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon hôm 24/10 đã vạch ra các bước nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một thế giới phi hạt nhân, kể cả việc kêu gọi Nga và Mỹ nối lại đàm phán cắt giảm các kho hạt nhân của họ.

Phát biểu trước Viện Đông - Tây, một tổ chức quốc tế độc lập chuyên về các vấn đề an ninh, ông Ban Ki-moon cho biết: "Thế giới sẽ hoan nghênh việc nối lại các cuộc thương thuyết song phương giữa Mỹ và Nga nhằm cắt giảm các kho hạt nhân tương ứng của những nước này".

Người đứng đầu LHQ cũng yêu cầu các nước tham gia kí kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nhằm thực hiện nghĩa vụ giải trừ hạt nhân của họ. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Đề xuất của Anh về việc chủ trì một hội nghị quy tụ các quốc gia đã được chứng thực đang sở hữu vũ khí hạt nhân là một bước đi cụ thể, đúng hướng".

Lãnh đạo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - El Baradei, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak cũng đã tham dự hội thảo chuyên đề của LHQ về chủ đề "LHQ và an ninh trong một thế giới không vũ khí hạt nhân".

Ông ElBaradei đã kêu gọi "hành động cụ thể" nhằm đẩy nhanh việc giải trừ hạt nhân. Lãnh đạo IAEA cho rằng: "Thế giới không thể sở hữu 27.000 vũ khí hạt nhân 20 năm sau Chiến tranh Lạnh".

Một số người tỏ ra nuối tiếc về việc các nỗ lực cắt giảm các kho dự trữ hạt nhân trên thế giới đã nhận được rất ít sự hưởng ứng. "Mục tiêu giải trừ hạt nhân vẫn còn là một điều ảo tưởng", Tướng về hưu Ved Malik, cựu Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ nói.

Mặc dù trích dẫn quan ngại của cộng đồng quốc tế về các hoạt động hạt nhân ở Iran và CHDCND Triều Tiên nhưng ông Ban Ki-moon khẳng định đông đảo thế giới ủng hộ những nỗ lực giải quyết các quan ngại này bằng các biện pháp đối thoại hoà bình.

Hội đồng Bảo an LHQ đã áp dụng 3 đợt cấm vận Iran vì nước này từ chối ngưng làm giàu uranium - một quá trình có thể tạo ra nguyên liệu chế tạo một quả bom hạt nhân. Phương Tây và Israel - một nước có vũ trang hạt nhân, cáo buộc nước Cộng hoà hồi giáo sử dụng chương trình hạt nhân để làm vỏ bọc sản xuất vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, Tehran quả quyết chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hoà bình và nhằm phát điện.

Trong khi đó, vào tháng 10, Bình Nhưỡng nhìn chung đã khôi phục việc vô hiệu hoá chương trình hạt nhân theo một thoả thuận nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân CHDCND Triều Tiên.

Trong bài phát biểu của mình, ông Ban Ki-moon cũng yêu cầu 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ (bao gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc) bắt đầu các cuộc thảo luận giải trừ hạt nhân và cam kết một cách dứt khoát với các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân rằng họ sẽ không là đối tượng bị đe doạ hoặc tấn công bằng loại vũ khí này.

Tổng thư kí LHQ cũng đề nghị Hội đồng bảo an triệu tập một hội nghị về vấn đề trên, đồng thời đề xuất những nỗ lực mới để Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) chính thức có hiệu lực. Hiện 140 nước, bao gồm toàn bộ các quốc gia châu Âu, đã phê chuẩn CTBT.

Cuối cùng, ông Ban Ki-moon thúc giục cộng đồng quốc tế phải có "những nỗ lực mới nhằm chống lại vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), hạn chế việc sản xuất và mua bán vũ khí thông thường cũng như cấm chế tạo vũ khí mới, kể cả tên lửa và vũ khí không gian".