Cuộc đấu phe phái vẫn tiếp diễn trên chính trường Thái Lan

09:20, 01/11/2008

Sau vài ngày tạm lắng, tình trạng căng thẳng giữa Chính phủ và lực lượng đối lập do Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đứng đầu tại Thái Lan lại gia tăng sau khi xảy ra các  vụ  tấn  công  bạo lực ngày 30-10 được cho là nhằm vào PAD.

Ngay lập tức PAD đã đáp trả bằng cuộc biểu tình của hàng nghìn người; kéo đến trụ sở Đại sứ quán Anh tại thủ đô Băng Cốc yêu cầu nước này dẫn độ cựu Thủ tướng Thặc-xỉn về nước; đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình cho đến khi Thủ tướng Xổm-chai Vông-xa-vắt từ chức.

 

Cho dù các vụ tấn công chưa xác định được mức nghiêm trọng, song những động thái trên đang làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra làn sóng bạo lực mới và tình hình chính trị Thái Lan lại tiếp tục xấu đi. Dường như áp lực từ công luận gia tăng cùng với bế tắc trên chính trường Thái Lan ngày một nặng nề đang là thách thức lớn với khả năng tại vị của Thủ tướng Xổm-chai Vông-xa-vắt.

 

Những gì đã và đang xảy ra trên chính trường Thái Lan  khiến    luận nước này bắt đầu nghi ngờ năng lực điều hành đất nước của ông Xổm-chai. Tờ “Dân tộc” ngày 30-10 đã chỉ trích, sau hơn một tháng nhậm chức (từ ngày 25-9) Thủ tướng Xổm-chai Vông-xa-vắt vẫn chưa chứng tỏ được khả năng điều hành đất nước của mình. Những bất đồng giữa Chính phủ và phe đối lập sau vụ đụng độ ngày 7-10, khiến 2 người chết và hơn 400 người bị thương, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Thực trạng này khiến Thái Lan phải quyết định rời Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 12 từ thủ đô Băng Cốc tới Chiềng Mai do lo ngại những vụ tắc nghẽn giao thông hoặc biểu tình của PAD.

 

Như vậy, vụ bạo động  đẫm  máu hôm 7-10, cùng các vụ bạo lực cuối tuần vừa qua đã đẩy làn sóng chống Chính phủ của PAD tới một giai đoạn mới quyết liệt hơn. Bất đồng giữa Chính phủ và những người biểu tình do PAD đứng đầu ngày một căng thẳng, bởi cuộc đấu tranh “một mất một còn” của PAD đã được củng cố thêm bằng sự ủng hộ của nhiều chính trị gia trong đảng Dân chủ đối lập, các thẩm phán, và đặc biệt của cả một số thành viên Hoàng gia. Trong một động thái hiếm có thể hiện sự ủng hộ công khai các cuộc biểu tình chống Chính phủ, Hoàng hậu Xi-ri-kít và Công chúa Chu-la-bon Va-lay-a-lác-xa-na đã tham dự tang lễ một nạn nhân thiệt mạng trong vụ đụng độ ngày 7-10, trong khi luật pháp Thái Lan quy định Nhà vua và các thành viên Hoàng gia đứng ngoài các đảng phái và không can dự vào chính trường.

 

Bế tắc trên chính trường Thái Lan liên tiếp bùng nổ vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ đã lan rộng ra toàn cầu là thách thức lớn với nền kinh tế nước này trong bối cảnh hiện nay. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan vừa đưa ra dự báo, kinh tế Thái Lan dựa chủ yếu vào xuất khẩu đang có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn thời điểm bị cơn bão tài chính châu Á 1997 tàn phá. Theo tổ chức này, trong năm tới, một triệu người lao động Thái Lan có thể bị mất việc làm do xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Trong khi ngành công nghiệp nước này còn đáng lo ngại hơn bởi tình trạng giảm phát của thế giới khiến hàng chục nghìn lao động trong lĩnh vực công nghệ ô tô, dụng cụ gia đình, và cả trong ngành kim hoàn hay nông sản thực phẩm, mất việc.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đang có chiều hướng ngày càng phức tạp. Chính trường Thái Lan rồi sẽ đi về đâu vẫn là câu hỏi lớn với các nhà lãnh đạo nước này. Nhiều khả năng quân đội có thể sẽ phải can thiệp, nếu xung đột lan rộng trên đường phố Băng Cốc hoặc nếu Ủy ban điều tra ra kết luận rằng giới lãnh đạo chính trị lạm dụng quyền lực. Khả năng ra đi của Thủ tướng Xổm-chai chỉ là vấn đề thời gian đã được đưa ra, thậm chí có thể tính từng ngày. Song, một điều dễ nhận ra rằng, chừng nào đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) còn nắm quyền và những liên quan đến cựu Thủ tướng Thặc-xỉn chưa được làm sáng tỏ thì nền chính trị của Thái Lan vẫn chưa thể ổn định và cuộc đấu giữa các phe phái sẽ vẫn còn tiếp diễn.