Khủng bố tìm cách thâm nhập phòng thí nghiệm ở Anh

15:39, 01/11/2008

Hàng chục nghi phạm khủng bố đã tìm cách thâm nhập các phòng thí nghiệm hàng đầu của Anh nhằm phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt như thiết bị hạt nhân và sinh học, trong năm qua.

Cơ quan an ninh Anh - MI5 và MI6 đã chặn được khoảng 100 nghi phạm khủng bố đóng vai nghiên cứu sinh, những đối tượng mà họ tin rằng cố tìm cách tiếp cận các phòng thí nghiệm để thu thập vật liệu và kiến thức cần thiết cho chế tạo vũ khí hạt nhân, sinh và hoá học, chính phủ Anh xác nhận.

 

Chiến dịch ngăn chặn những nghi phạm diễn ra sau khi MI5 và văn phòng Khối thịnh vượng chung cảnh báo rằng mạng lưới khủng bố Al Qaeda đang tích cực tuyển dụng các nhà khoa học và sinh viên đại học có thể tiếp cận các phòng thí nghiệm có chứa virus chết người và nắm được công nghệ chế tạo vũ khí.

 

Việc kiểm tra chặt chẽ của cơ quan an ninh - dùng hệ thống xác minh lí lịch mới, đã loại bỏ nhiều sinh viên nước ngoài bị nghi là có ý định phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Một phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao Anh cho hay, các sinh viên trên không được tiếp nhận du học ở nước này theo một quy định ngăn chặn phổ biến kiến thức và kỹ năng có thể dùng trong phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

 

Quan chức trên còn nói thêm, "Đã có bằng chứng kinh nghiệm về việc nghiên cứu sinh thành kẻ phổ biến vũ khí". Các sinh viên ngoại quốc, một trong số đó tới từ "các nước đáng quan tâm" như Iran và Pakistan, đã bị từ chối theo Chương trình phê chuẩn học công nghệ mà các trường đại học và cơ quan an ninh đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.

 

Thông tin trên đã làm dấy lên câu hỏi rằng đã có bao nhiêu nghi phạm khủng bố thâm nhập được vào mạng lưới các phòng thí nghiệm ở Anh.

 

Rihab Taha biệt danh "Tiến sĩ Vi trùng", người làm việc trong chương trình vũ khí sinh học của Saddam Hussein, đã hoàn thành bằng tiến sĩ tại một nhà máy chất độc ở trường nghiên cứu sinh học thuộc đại học East Anglia, Norwich.

 

Ngoài ra, một loạt các nhà khoa học Iraq được đào tạo bằng ngân sách của chính phủ Iraq trước đây đã thâm nhập một vài phòng thí nghiệm vi trùng học của Anh trước khi cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990-1991 diễn ra.

 

Anh có khoảng 800 phòng thí nghiệm ở các bệnh viện, trường học, công ty tư nhân, nơi các nhân viên có thể tiếp cận virus chết người như Ebola, bại liệt và cúm gia cầm cũng như có thể nắm được công nghệ và kiến thức phát triển vũ khí chết người. Các cơ quan chính phủ Anh hiện vẫn lo ngại về số nước có ý định thu thập vật liệu và kiến thức để có khả năng phát động một cuộc chiến hạt nhân hoặc sinh học.

 

Việc xét xử hai bác sĩ thuộc cơ quan y tế quốc gia là Mohammad Asha, 27 tuổi, người Jordan và Bilal Abdulla, 29 tuổi, từ Iraq - bị nghi có âm mưu tiến hành một vụ thảm sát bằng đánh bom ôtô ở sân bay West End ở London và Glasgow hồi năm ngoái đã đẩy mạnh việc kiểm tra thái độ cực đoan của sinh viên. Kafeel Ahmed, người lái xe Jeep có chứa bình ga vào cổng chính sân bay Glasgow là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa công nghệ Anglia Ruskin trường đại học Cambridge.

 

Một phát ngôn viên các trường đại học ở Anh cho hay, chương trình an ninh cho tới giờ đã chứng tỏ sự hữu hiệu. "Nó rất quan trọng trong việc bảo vệ Anh khỏi những đối tượng muốn dùng công nghệ và vật liệu một cách không thích hợp".

 

Michael Stephens, phụ trách an ninh thuộc hội đồng nghiên cứu y khoa - điều hành một số phòng thí nghiệm nhạy cảm nhất cho hay, họ coi an ninh sinh học là "đặc biệt quan trọng".

 

Cựu tổng giám đốc MI5, Dame Eliza Manningham-Buller, cảnh báo, các vụ tấn công khủng bố ở Anh có thể liên quan tới vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Các nhóm cực đoan hiện đang nhắm tới các sinh viên, trao học bổng cho những đối tượng này để đổi lấy các kiến thức mới mà họ thu nhận được.