Thay đổi đã đến với nước Mỹ

09:03, 05/11/2008

Phát biểu trước 125 nghìn cử tri ở TP Chicago, bang Illinois, khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lịch sử của nước Mỹ vào lúc gần nửa đêm 4-11 (giờ Mỹ, tức trưa nay giờ Việt Nam), ông Obama nhấn mạnh: “Thay đổi đã đến với nước Mỹ”.  

Mở đầu bài phát biểu tuyên bố chiến thắng, ông Obama nói: “Nếu có ai vẫn còn nghi ngờ liệu nước Mỹ có phải là nơi mọi chuyện đều có thể xảy ra, vẫn còn băn khoăn liệu giấc mơ của tổ tiên chúng ta có còn tồn tại đến ngày nay, vẫn đặt câu hỏi về sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta, thì đêm nay các bạn đã có câu trả lời.”

 

Sau đó, ông nhấn mạnh những thay đổi mà chiến thắng này có thể đem lại: “Chiến thắng này không phải là sự thay đổi mà chúng ta tìm kiếm. Nhưng nó đem lại cơ hội để tạo ra sự thay đổi. Điều đó không thể xảy ra nếu chúng ta đi lại những con đường cũ.

 

… Giờ là lúc để đưa người dân trở lại với công việc và mở ra cơ hội cho con cháu của chúng ta, phục hồi sự thịnh vượng và thúc đẩy sự nghiệp hòa bình, làm sống lại giấc mơ Mỹ và khẳng định lại một sự thật cơ bản là dù bao gồm nhiều người, nhưng chúng ta là một, khi chúng ta cùng hít thở và hy vọng.”

 

Ông Obama cũng nói về những khó khăn hiện nay của nước Mỹ. “Trong khi chúng ta đứng đây đêm nay, chúng ta biết rằng có những người Mỹ dũng cảm đang thức trắng trên sa mạc ở Iraq hay những vùng núi ở Afghanistan, mạo hiểm sinh mạng của mình vì chúng ta.

 

Có những người mẹ và người cha sẽ nằm mà không thể ngủ nổi, trong khi con họ đã ngủ say, để nghĩ cách làm thế nào trả được món nợ thế chấp, thanh toán hóa đơn chữa bệnh cho con, làm sao dành đủ tiền cho con học đến đại học.”

 

Ông nói, con đường trước mặt rất dài với khó khăn như một con dốc đứng, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy tràn trề hy vọng hơn đêm nay là người Mỹ cuối cùng sẽ vượt qua con dốc đó.

 

Trước đó, ông McCain đã gọi điện chúc mừng ông Obama và nói rằng ông sẵn sàng hợp tác với tân tổng thống để lãnh đạo đất nước. Ngay sau đó, ông McCain có bài phát biểu trước cử tri TP Phoenix ở bang quê nhà Arizona, cám ơn họ và ca ngợi đối thủ vừa đánh bại mình.

 

Bài phát biểu gây xúc động mạnh cho cử tọa, mở đầu bằng câu: “Các bạn thân mến, chúng ta đã đi đến cuối chặng đường. Người dân Mỹ đã phát biểu, và phát biểu rất rõ ràng. Vừa mới đây, tôi vinh hạnh được gọi điện cho TNS Obama để chúc mừng ông trở thành tổng thống của đất nước mà cả hai chúng tôi đều yêu quý.”

 

Trong bài phát biểu, ông McCain không tiếc lời ca ngợi phẩm chất của người vừa đánh bại mình: “Trong cuộc thử thách lâu dài và khó khăn như chiến dịch tranh cử này, thành công của ông đã khiến tôi kính phục năng lực và sự bền bỉ của ông. Nhưng điều khiến tôi khâm phục sâu sắc và muốn được ca ngợi hơn cả là việc ông đã truyền niềm tin cho nhiều triệu người Mỹ vốn từng sai lầm nghĩ rằng họ chỉ là một phần rất nhỏ, hoặc chỉ ảnh hưởng không đáng kể đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.”

 

Theo ông McCain, nếu một thế kỷ trước, việc Tổng thống Theodore Roosevelt mời thủ lĩnh cộng đồng người Mỹ gốc Phi đến Nhà Trắng đã gây giận dữ trong dư luận suốt nhiều tháng sau thì ngày nay, nước Mỹ đã thoát khỏi sự mù quáng đáng sợ của thời kỳ đó. “Và không có bằng chứng nào tốt đẹp hơn về sự thật này là việc một người Mỹ gốc Phi được bầu làm tổng thống,” ông nói.

 

Ông McCain tâm sự: “Lẽ tự nhiên là đêm nay tôi cảm thấy đôi chút thất vọng. Nhưng ngày mai, chúng ta sẽ vượt qua điều đó và cùng nhau hợp tác để đưa đất nước tiến lên.”

 

Trong khi ông Obama khiêm tốn nói rằng chiến thắng này là của cử tri thì ông McCain cũng nhấn mạnh “thất bại này là của tôi, không phải của các bạn”.

 

Ông McCain kết thúc bài phát biểu: “Hôm nay, tôi là ứng cử viên cho văn phòng quyền lực nhất của đất nước mà tôi vô cùng yêu quý và đến giờ phút này, tôi vẫn là người phụng sự đất nước.

 

Tôi cầu chúc may mắn cho người từng là đối thủ của tôi và giờ đây là tổng thống của tôi, tôi kêu gọi mọi người dân Mỹ, như điều tôi vẫn thường làm trong chiến dịch tranh cử, không nên tuyệt vọng trước những khó khăn hiện nay của chúng ta mà hãy luôn tin tưởng vào sự vĩ đại của nước Mỹ, bởi vì không có gì chắc chắn hơn thế. Người Mỹ không bao giờ bỏ cuộc.”

 

Bài phát biểu thừa nhận thất bại của ông McCain được cho là một cử chỉ đẹp, chân thành và thiện ý. Thậm chí một số người ủng hộ ông Obama cũng đánh giá rất cao bài phát biểu của TNS bang Arizona và nói rằng, chính ông Bush là người đã lấy mất cơ hội chiến thắng của ông McCain, ám chỉ tám năm cầm quyền của ông Bush khiến người dân Mỹ mất lòng tin vào đảng Cộng hòa.

 

Trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, ông Obama đã chiến thắng hàng thế kỷ định kiến về chủng tộc và thực hiện được ước mơ của mục sư da màu Martin Luther King về một ngày con người được đánh giá không phải bởi màu da mà bởi phẩm chất của họ.

 

“Tôi ước mơ rằng, sẽ có ngày đất nước này vươn lên và sống đúng với niềm tin của nó: ‘Chúng ta tin sự thật đó là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.'

 

Tôi ước mơ rằng, bốn đứa con nhỏ của tôi sẽ có ngày được sống trong một đất nước, nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da mà bởi phẩm chất của chúng.

 

Tôi ước mơ rằng, sẽ có ngày, trên những ngọn đồi ở bang Georgia, con cái của những người từng là nô lệ và những người từng là chủ nô có thể ngồi với nhau như anh em.”

 

TNS nhiệm kỳ đầu tiên với ít kinh nghiệm Obama đã đánh bại ông McCain, một chính trị gia lão luyện, có hơn 20 năm liên tục làm TNS.

 

Ông Obama giành chiến thắng nhờ tài hùng biện và chủ đề “thay đổi và hy vọng” được đưa ra vào đúng thời điểm nền kinh tế bất ổn và người dân bất mãn sâu sắc với tám năm cầm quyền của chính quyền Bush.

 

Chiến dịch tranh cử của ông Obama đi vào lịch sử không phải chỉ ở yếu tố màu da mà còn vì ông đã gây quỹ tranh cử được nhiều hơn bất kỳ ứng viên nào trong quá khứ và trước đó đã đánh bại bà Hillary, người tưởng như sẽ được đảng Dân chủ chọn làm đại diện ra tranh cử, tại vòng bầu cử sơ bộ.

 

Chiến dịch tranh cử vừa qua cũng là chiến dịch tranh cử dài nhất - 21 tháng - và tốn kém kỷ lục - hai ứng viên đã tiêu tổng cộng hơn 420 triệu USD cho quảng cáo.

 

Trong cuộc bầu cử này, ông Obama giành chiến thắng áp đảo trước ông McCain ở những bang như Pennsylvania và Ohio - nơi ông McCain buộc phải giành chiến thắng thì mới mong có được chiếc ghế tổng thống.

 

Ông Obama cũng giành chiến thắng ở bang Virginia, một bang chưa từng bỏ phiếu bầu tổng thống nào thuộc phe Dân chủ kể từ năm 1964.

 

Ông Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Mỹ vào ngày 20-1 tới.

 

Sau khi thống kê sơ bộ cho thấy ông Obama thắng cử, Tổng thống Bush đã gọi điện chúc mừng ông Obama. Theo người phát ngôn của Nhà Trắng, ông Bush nói, ông Obama đã bắt đầu một hành trình vĩ đại của cuộc đời, và mời ông đến thăm Nhà Trắng trong thời gian sớm nhất.

 

Phát biểu về chiến thắng của ông Obama, TNS Hillary Clinton nói, “Chúng ta đang ăn mừng một chiến thắng lịch sử của người Mỹ”. “Đây là một chiến dịch cam go và lâu dài nhưng kết quả của nó thật đáng chờ đợi. Cùng nhau, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden và Quốc hội với đa số ghế thuộc về đảng Dân chủ, chúng ta sẽ xây dựng một nền kinh tế mới và xây dựng lại vai trò lãnh đạo trên thế giới,” bà Hillary nói.

 

Trong ngày bầu cử, cử tri Mỹ tỏ ra rất phấn khích và tự hào được tham gia vào một cuộc bỏ phiếu lịch sử mà kết quả chiến thắng của nó, dù thuộc về ai, đều sẽ tạo ra những cột mốc mới cho nước Mỹ: lần đầu tiên có tổng thống da màu hoặc lần đầu tiên có nữ phó tổng thống. Con số thống kê cử tri ban đầu từ các bang đều đạt mức cao. Nhiều cử tri sẵn sàng chờ hàng giờ liền để đợi đến lượt bỏ phiếu.