Thủ tướng Thái cam kết dùng biện pháp hòa bình

09:01, 29/11/2008

Ông Somchai Wongsawat hôm nay tuyên bố sẽ thực hiện những cách thức phi bạo lực để chấm dứt cuộc biểu tình của lực lượng chống chính phủ, đang làm tê liệt hai sân bay tại Bangkok trong suốt ba ngày qua.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Somchai cho biết tình trạng bế tắc hiện nay tại thủ đô sẽ được giải quyết thông qua đàm phán nhưng ông không nói rõ khi nào. "Không nên lo lắng, lực lượng an ninh sẽ chỉ sử dụng các biện pháp hòa bình. Sẽ có các cuộc đàm phán và mọi thứ khác đều phù hợp với tình hình hiện tại", người đứng đầu chính phủ Thái trấn an.

Thủ lĩnh phe biểu tình Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) Sondhi Limthongkul thì bác bỏ ý tưởng thương thuyết và kiên quyết đòi Thủ tướng Somchai từ chức, điều mà nhà lãnh đạo từ chối và cho rằng chính phủ do ông lãnh đạo là hợp pháp. PAD tuyên bố sẽ kéo dài việc phong tỏa sân bay và sẵn sàng chiến đấu tới cùng bằng lá chắn sống nếu cảnh sát động thủ.

Hiện cảnh sát đặc nhiệm Thái đã được triển khai trong hai sân bay Suvarnabhumi và Don Muang ở Bangkok, trong khi ngày càng có thêm người biểu tình chiếm giữ các ngả được tiến đến những phi trường này. Tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố tại hai cửa ngõ hàng không đang bị phe biểu tình thuộc PAD phong tỏa.

Cảnh sát Thái hôm nay chính thức lệnh cho những người biểu tình phải rời hai sân bay ở Bangkok, nhưng mọi thứ đều không nhúc nhích và không khí căng thẳng vẫn ngày càng tăng. Động thái này được đưa ra sau khi thủ tướng Thái sa thải chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Patcharawat Wongsuwanbut hôm qua.

Trong khi đó, các hãng hàng không nước ngoài bắt đầu chiến dịch di tản khách của mình ra khỏi Bangkok thông qua sân bay quân sự Utapao, cách thủ đô Thái khoảng 150 km. Nhưng do hành khách bị kẹt quá đông và đây vốn không phải phi trường thương mại nên tình trạng hỗi loạn và trì hoãn là phổ biến.

Cho đến giờ cảnh sát Thái vẫn chưa có bất cứ động thái mạnh tay nào đối với người biểu tình, sau 3 ngày họ làm tê liệt đường không ở Bangkok, vốn là trạm trung chuyển quan trọng của châu Á. An ninh nước này chỉ tuyên bố sẽ thực thi "các bước đi tiếp theo" nếu đàm phán với phe biểu tình thất bại.

Phát ngôn viên chính phủ Nattawut Sai-Kau thì cho biết, cảnh sát đang được lệnh "dùng mọi biện pháp cần thiết để mở cửa lại các sân bay trên cơ sở phi bạo lực". Hiện nội các của ông Somchai vẫn phải lánh nạn tại thành phố miền bắc Chiang Mai để đảm bảo an toàn và chưa biết đến bao giờ mới có thể trở lại thủ đô. Việc ông Somchai mất sự ủng hộ của tư lệnh quân đội Anupong Paochinda khiến tin đồn sắp có đảo chính quân sự lan rộng.

Tờ Bangkok Post dẫn lời các chuyên gia nhận đỉnh, thiệt hại của sân bay Suvarnabhumi có thể từ 3,7 tỷ USD đến 6 tỷ USD, nếu bị đóng cửa kéo dài đến tháng 12. Ngành công nghiệp tổ chức hội nghị chuyên nghiệp ở Bangkok cũng chịu tổn thất khoảng 310 triệu USD. Tăng trưởng GDP của Thái Lan năm nay có thể sẽ giảm từ 4,5% như ước tính xuống còn 4%, mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, sau khi một đảng gồm các đồng minh cũ của Thaksin giành chiến thắng và trở lại nắm quyền.

Sau thời gian nhùng nhằng, kể từ tháng 8 năm nay, phe PAD đã mở chiến dịch biểu tình rầm rộ chống chính phủ và tràn vào chiếm đóng trụ sở làm việc của nội các. Trong bối cảnh sức ép này, cựu thủ tướng Samak Sundaravej phải từ chức dù với một lý do không liên quan là cáo buộc ông vi phạm hiến pháp khi tham gia dạy nấu ăn trên truyền hình để nhận thù lao.

Sau khi ông Somchai Wongsawat lên thay thế, làn sóng biểu tình chống chính phủ vẫn không hạ nhiệt. Phe biểu tình PAD vẫn không chịu rút khỏi khu trụ sở của chính phủ Thái Lan và tiếp tục hạ trại tại đây. Họ cáo buộc ông Somchai tham nhũng và là con rối của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Căng thẳng lên đến cực điểm kể từ tối 25/11 vừa qua, khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến sân bay này tê liệt. Một ngày sau đến lượt sân bay thứ hai của Bangkok là Don Muang cũng rơi vào tình trạng tượng tự.