Thủ tướng Thái lên truyền hình, từ chối giải tán Hạ viện

10:16, 26/11/2008

Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat tối 26/11 đã xuất hiện trên đài truyền hình NBT từ Chiang Mai và bác bỏ kêu gọi tổ chức bầu cử mới với lý do chính phủ của ông là hợp pháp.

Trong bài phát biểu trên toàn quốc, Thủ tướng Somchai lên án việc chiếm giữ sân bay quốc tế Bangkok và văn phòng chính phủ của những người biểu tình là bất hợp pháp, không dân chủ và đe doạ thịnh vượng quốc gia.

 

"Tôi tái khẳng định một lần nữa rằng chính phủ này, vốn hợp pháp và được bầu chọn, sẽ giữ trách nhiệm tới cùng", Thủ tướng Somchai tuyên bố đồng thời cam kết sẽ triệu tập một cuộc họp nội các khẩn vào hôm nay (27/11) để thảo luận các biện pháp nhằm đưa tình hình trở lại bình thường.

 

"Chúng ta cần giải quyết vấn đề. Tụ tập không vũ trang luôn luôn được phép diễn ra nhưng luật pháp đã bị phá vỡ và những người có vũ trang đã gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia", người đứng đầu chính phủ Thái nói.

 

Chuyến bay của ông Somchai từ Peru về Bangkok vào phút cuối đã chuyển hướng sang Chiang Mai lúc chiều ngày 26/11. Hiện chưa rõ làm cách nào, ở đâu và khi nào cuộc họp nội các dự định sẽ diễn ra vào hôm nay sẽ được tổ chức.

 

Trước đó, chỉ huy quân đội Tướng Anupong Paojinda đã kêu gọi Thủ tướng giải tán hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử sau khi người biểu tình chiếm lĩnh sân bay quốc tế Bangkok và khiến hàng nghìn du khách mắc kẹt.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng đã bác lời kêu gọi này và nói: "Hỡi các bạn, tôi xin cam đoan một lần nữa rằng chính phủ hiện nay sẽ bảo vệ nền dân chủ với Quốc vương là người đứng đầu và làm việc vì lợi ích quốc gia. Những người biểu tình đã phá vỡ luật lệ bằng súng, chiếm văn phòng chính phủ và sân bay, họ đã huỷ hoại dân chủ bằng những luật lệ du thủ du thực".

 

Những người biểu tình cáo buộc chính phủ hiện nay - được bầu vào tháng 12/2007, là bình phong cho cựu Thủ tướng Thaksin, người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Thủ tướng Somchai là em rể của Thaksin.

 

 Huấn thị trục xuất người biểu tình

 

Toà án dân sự tối 26/11 cũng ban bố lệnh huấn thị khẩn cấp nhằm đuổi người biểu tình khỏi sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Hiện, Liên minh nhân dân vì Dân chủ - lãnh đạo lực lượng biểu tình, vẫn chưa có phản ứng gì.

 

Lúc này, việc xử lý các vấn đề quốc tế của chính phủ Thái đã bị phá vỡ khi người biểu tình của PAD bao vây Quốc hội và buộc những phiên họp giải quyết các cam kết quốc tế phải trì hoãn.

 

Các nhà chiến lược của chính phủ tin rằng nếu Thủ tướng Somchai còn trụ vững trong vài ngày tới, sức ép lớn sẽ đổ ngược về PAD vì việc lực lượng này phong toả sân bay. Hôm 26/11, PAD đã chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, điểm được nhiều người chú ý ở Thái Lan vẫn là Thủ tướng Somchai sẽ xử lý cuộc khủng hoảng như thế nào.

 

Thái Lan vào danh sách cảnh báo đi lại trên toàn cầu

 

Hàng loạt quốc gia trên thế giới hôm 26/11 đã ra cảnh báo với công dân về việc đi tới Thái Lan, một quốc gia mà Philippines cho rằng thiếu "độ chín về chính trị".

 

Trung Quốc, Pháp, New Zealand, Singapore, Anh, Mỹ, Australia và Nhật ra cảnh báo trên website về những nguy hiểm có thể xảy ra cho công dân của họ nếu tới, có mặt ở Thái Lan.

 

Sứ quán Mỹ tại Thái Lan khuyến cáo công dân tránh xa sân bay để đề phòng bạo lực và tình trạng bất tuân luật pháp. "Công dân Mỹ nên tránh các khu vực có biểu tình và thận trọng nếu ở trong khu vực có biểu tình".

 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái cảnh báo trên trang web của mình là công dân Trung Quốc có ý định thăm Thái Lan nên hoãn kế hoạch. Trong khi đó, Bộ ngoại giao Pháp thì đề xuất khách du lịch Pháp đã đặt vé tới Bangkok nên thay đổi kế hoạch.

 

Bộ Ngoại giao Nhật kêu gọi người dân cẩn trọng. Trong cảnh báo đăng trên website bộ ngoại giao, cơ quan này nói, những công dân nào dự định tới thăm hoặc ở lại Bangkok nên kiểm tra kỹ càng các thông tin về chuyến bay từ trước.