Chung tay vực dậy kinh tế toàn cầu

08:01, 07/12/2008

Cuộc đối thoại kinh tế chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 5 kết thúc cuối tuần qua tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ kinh tế hai nước. Cuộc đối thoại đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính tiếp tục lan rộng khắp thế giới và nước Mỹ sắp thay đổi chính quyền mới.

Với chủ đề "Đặt nền tảng cho quan hệ đối tác kinh tế lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ", Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hen-ri Pôn-sơn đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của hai nước đồng chủ trì cuộc hội đàm. Hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề cùng quan tâm như: tỷ giá đồng nhân dân tệ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an toàn của các mặt hàng thực phẩm và dược phẩm, hợp tác về môi trường và năng lượng...

 

Trong bối cảnh cơn bão tài chính xuất phát từ Mỹ đang lan rộng, cuộc đối thoại kinh tế chiến lược cấp cao Trung - Mỹ diễn ra trong sự kỳ vọng của dư luận thế giới. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này thời gian qua liên tục tiến hành các biện pháp "giải cứu" nhằm góp phần vực dậy nền kinh tế thế giới.

 

Trong cơn bão tài chính hiện nay, cả hai nước đều phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái kinh tế kể từ tháng 12-2007 cùng một loạt thách thức đang đặt ra với nền kinh tế nước này. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2009 có thể sẽ chỉ đạt khoảng 7,5%, mức thấp nhất trong vòng 19 năm qua. Vì thế, việc Trung - Mỹ bắt tay cam kết phục hồi kinh tế thế giới là tín hiệu đáng mừng; được dư luận thế giới hoan nghênh và đánh giá cao.

 

Với mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới trong những năm qua và dự trữ ngoại tệ đã đạt gần 2.000 tỷ USD, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới tính theo sức mua, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thực hiện những kế hoạch quy mô để phối hợp với quốc tế ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Đầu tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế trị giá gần 600 tỷ USD nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp giảm thiểu sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

 

Đối thoại kinh tế chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc  được thiết lập từ tháng 12-2006 với mục đích tạo ra một cơ chế đối thoại nhằm duy trì và thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ trong lĩnh vực kinh tế. Song, cuộc đối thoại lần này cả hai bên đã vượt ra khỏi sự ràng buộc của những vấn đề cụ thể như: tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, sự mất cân đối trong trao đổi thương mại Trung - Mỹ... của các cuộc đối thoại lần trước để tập trung bàn thảo những vấn đề có tầm chiến lược như: chính sách kinh tế vĩ mô, các biện pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính cũng như vấn đề hợp tác năng lượng và môi trường...

 

Điều được dư luận trông đợi nhất là hai bên đã nhất trí coi nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tiến hành những biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng; tránh xảy ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu... Để thúc đẩy hoạt động thương mại trong giai đoạn khó khăn này, Mỹ và Trung Quốc nhất trí tăng thêm 20 tỷ USD để hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ của hai nước trong việc giao thương với những đối tác là các quốc gia đang phát triển.

 

Đây là cuộc đối thoại chiến lược kinh tế Trung - Mỹ cuối cùng khi Tổng thống G. Bu-sơ còn tại nhiệm và ngay trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma chính thức nhậm chức. Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị tại Bắc Kinh, cả Trung Quốc và Mỹ đều mong muốn tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại tương tự trong nhiệm kỳ sắp tới của ông B. Ô-ba-ma. Tin rằng, với chính sách được đánh giá là coi trọng quan hệ với châu Á, Tổng thống đắc cử B. Ô-ba-ma sẽ tiếp tục đẩy mạnh đối thoại kinh tế để phát triển sự hợp tác giữa hai cường quốc nhằm ngăn chặn hiệu quả những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra; đồng thời nhanh chóng vực dậy nền kinh tế toàn cầu.