Thành lập Nội các mới: Nhiều thách thức với ông Obama

14:54, 03/12/2008

Nếu ông Obama và Nội các của mình không đổi mới tư duy trong chiến lược đối ngoại, đối nội thì rất khó thực hiện những mục tiêu mang tính “sống còn”. Chưa đầy một tháng sau khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông Barak Obama đã thành lập được hơn một nửa nội các. Đặc biệt, trong số đó có cả những người thuộc Đảng Cộng hoà và nhiều người được coi là chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế.

Hiện nay, Tổng thống B. Obama đã gần như hoàn thiện bộ máy lãnh đạo trong nội các mới của mình, bao gồm những vị trí điều hành nền kinh tế và ngoại giao, an ninh. Ba vị trí quyền lực nhất trong nhóm kinh tế của nội các, được ông Obama quyết định chỉ ngay sau 20 ngày đắc cử, gồm Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, Bộ trưởng Thương mại Bill Richardson và Giám đốc Uỷ ban Kinh tế quốc gia Lawrence Summers. Cả ba nhà lãnh đạo này đều  từng nắm các chức vụ quan trọng dưới thời của Tổng thống Bill Clinton và hiện nay được coi là có khả năng đem lại hướng tư duy mới.

 

Nhưng việc bổ nhiệm đội ngũ các nhà lãnh đạo về ngoại giao, an ninh, trong  đó, bà Hilary Clinton, Thượng nghị sĩ bang New Yook được cử giữ chức Ngoại trưởng và ông Robert Gates tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, đã thu hút sự quan tâm của dư luận nước Mỹ và thế giới.

 

Bởi Bà Hilary Clinton - người từng đi đến hơn 80 quốc gia và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại - từng là đối thủ của ông Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Còn  ông R.Gates, trong suốt 4 năm qua, bị coi là một trong những người phải chịu trách nhiệm về những thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Iraq. Vì thế, với việc quyết định bổ nhiệm họ vào các vị trí quan trọng trong nội các mới, ông Obama cho thấy có khả năng vượt qua khó khăn để tránh gây chia rẽ trong chính quyền mới.

 

Song,  khi an ninh toàn cầu đang gặp những thách thức nghiêm trọng do các vụ tấn công đẫm máu ở Mumbai (ấn Độ) và bạo lực lan tràn tại nhiều nơi trên thế giới, khi Mỹ cũng đang phải tìm lối thoát cho lực lượng Mỹ tại Iraq và ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế, rõ ràng, nội các mới cần phải có những con người quyết đoán và rất thực tiễn. Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu vì sao, ông Obama phải có những quyết định bổ nhiệm thành viên nội các được coi là táo bạo, khôn khéo và cởi mở như vậy.

 

Thông điệp của tân Tổng thống Obama là chính phủ mới của Mỹ sẽ có sức mạnh để khôi phục lại uy tín và vị trí của Mỹ trên trường quốc tế.

 

Mà vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế, ngay sau khi bổ nhiệm đội ngũ an ninh, ngoại giao và kinh tế đất nước, ông Obama đã công bố kế hoạch kích thích nền kinh tế với mục tiêu duy trì và tạo thêm 2,5 triệu việc làm cho người dân Mỹ vào năm 2011 và cắt giảm thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng - vốn là những vấn đề bị lãng quên dưới thời của chính quyền Tổng thống Bush.

 

Có thể Tổng thống mới đắc cử Obama có niềm tin và bản lĩnh, có nội các mạnh với những thành viên dạn dày kinh nghiệm, để nỗ lực thực hiện những mục tiêu mà ông gọi là sống còn đối với nước Mỹ. Nhưng nếu ông và nội các của mình không đổi mới tư duy khi hoạch định chiến lược đối ngoại và đối nội, và không giải quyết được những mâu thuẫn giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ - hai lực lượng chính trị ở Mỹ, thì những nỗ lực đó khó trở thành hiện thực và ông Obama sẽ phải đương đầu với những khó khăn, thách thức ngay từ thời điểm đầu trên cương vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.